Sau khi UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh đã bám sát kế hoạch và triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả.

Theo đó, các địa phương đã đồng loạt nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng số, lắp đặt mạng Internet có hệ thống wifi phát miễn phí với đường truyền băng thông rộng từ 100 Mbps trở lên tại bộ phận một cửa của UBND xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn/xóm… đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin.

Tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho nhiều cán bộ, công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số. Thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, thí điểm xây dựng mô hình thôn/xóm thông minh…

Từ đó, các địa phương đã khai thác tốt dịch vụ chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực hành chính công được khai thác mạnh nhất, mang lại hiệu quả cao.

anh-chup-man-hinh-2023-12-04-luc-104120-1.png
Xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh thực hiện cấp mã định danh cho người dân.

Hiện nhiều xã trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thực hiện công khai 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 60%. Ngoài ra, các địa phương còn số hóa thủ tục hành chính và kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử…

Ngoài lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực y tế cũng được các địa phương áp dụng công nghệ số. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt mức độ cao.

Lĩnh vực sản xuất, nhiều địa phương đã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, cấp mã số vùng trồng đối với vùng nguyên liệu nông sản chủ lực của xã và quảng bá nông sản trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực an ninh, lực lượng công an đã áp dụng chuyển đổi số vào cài đặt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID…

Được biết, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nam Định đạt được 4 mục tiêu đề ra:

Một là, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông. 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. Ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Hai là, phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Ba là, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Cuối cùng là, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).

Để đạt mục tiêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực triển khai chương trình.

Thuý Vy