Cả nước có 14,2 triệu người cao tuổi
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, chỉ sau 5 năm, số lượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở nước ta tăng thêm 2,8 triệu người, đạt 14,2 triệu (mỗi năm tăng trung bình 560.000 người).
So với tổng dân số hơn 101,1 triệu người, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta hiện khoảng 14%. So với 10 năm trước, số người từ 60 tuổi trở lên tăng thêm 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần).
Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024 (tương ứng tăng trung bình mỗi năm gần 700.000 người).
Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2%, tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và 16,9 điểm phần trăm so với năm 2014.
Chỉ số già hóa được tính bằng tỷ số giữa số người cao tuổi và 100 người dưới 15 tuổi (hay trẻ em). Khi chỉ số này lớn hơn 100 tức là dân số cao tuổi lớn hơn dân số trẻ em. Với chỉ số già hóa hiện nay, cứ 100 trẻ em Việt thì có hơn 60 người cao tuổi.
Là nước có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, trong khi mức sinh ngày càng giảm, số người cao tuổi ở nước ta tăng rất nhanh.
Mức tăng tuổi thọ của nam giới cao hơn so với mức tăng của phụ nữ
Hồi tháng 6/2024, Tổng cục Thống kê công bố tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2023 là 74,5 tuổi, tăng vọt so với các năm trước đó (khoảng 73,7 tuổi). Trong kết quả Điều tra Dân số và nhà ở năm 2024 mới ban hành, tuổi thọ bình quân của cả nước là 74,7 tuổi, tiếp tục gia tăng so với năm trước.
Số liệu mới nhất cho thấy tuổi thọ của nam giới Việt Nam là 72,3 tuổi, của nữ giới là 77,3 tuổi. So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm. Mức tăng tuổi thọ của nam giới cao hơn so với mức tăng của phụ nữ, tương ứng là 1,3 năm và 1 năm.
Ở góc độ khoa học, lý giải nguyên nhân khiến đàn ông sống không thọ như phụ nữ, ngoài yếu tố sinh lý, thói quen sống và ý thức chăm sóc sức khoẻ cũng ảnh hưởng lớn.
Theo đó, phụ nữ thường có xu hướng chăm sóc sức khỏe cá nhân tốt hơn, thường xuyên đi khám bác sĩ, thực hiện các xét nghiệm và tiêm phòng. Họ cũng có xu hướng hút thuốc lá và tiêu thụ cồn (bia, rượu) ít hơn nam giới, điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc và cồn.
Dù tuổi thọ người dân tăng vọt, nhưng trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, thường là bệnh không lây nhiễm, cơ xương khớp, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ...
Tốc độ già hóa rất nhanh, số lượng người cao tuổi tăng từng năm, nhưng dịch vụ y tế đáp ứng điều trị và chăm sóc dài hạn của Việt Nam được đánh giá là rất khiêm tốn.
Đàn ông Việt gần 30 tuổi mới kết hôn lần đầu
Theo số liệu điều tra, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên từng kết hôn là 74,9%. Với tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên, phổ biến nhất là “có vợ/có chồng” (65,3%).
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt là 27,3, tăng 2,1 năm so với năm 2019, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 năm (tương ứng là 29,4 năm và 25,2 năm).
Phụ nữ ở khu vực thành thị kết hôn muộn hơn đáng kể so với nữ ở khu vực nông thôn, chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ thành thị cao hơn của nữ nông thôn là 2,7 năm (26,8 năm so với 24,1 năm).
Trong công bố hồi tháng 6/2024, Tổng cục Thống kê cho biết tuổi kết hôn lần đầu của thanh niên Việt Nam năm 2023 là 27,2 tuổi (nữ là 25,1 và nam là 29,3 tuổi). Như vậy, người Việt ngày càng kết hôn muộn.
Thanh niên TPHCM kết hôn muộn nhất cả nước. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại thành phố này là 30,4 - cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. So với năm 2019, con số này tăng gần 3 năm.