Ngoài các sinh hoạt chợ phiên, những trò chơi dân gian…, điểm đặc sắc trong lễ hội này là những điệu hát Sli rất riêng của người Nùng Phàn Slình.

Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, là một làn điệu dân ca đặc sắc, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nùng ở Lạng Sơn. Đây là hình thức hát giao duyên thể hiện qua các câu thơ, được biểu diễn dưới dạng đối đáp của các cặp, các nhóm nam nữ trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, mừng sinh nhật, mừng nhà mới... Thông thường sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng sli (ngâm thơ) và dằm sli hoặc nhằm sli (lên giọng hát).

Hát Sli không chỉ là một loại hình dân ca độc đáo của người Nùng mà còn chứa đựng và truyền tải những giá trị vô giá, đầy tính nhân văn, được đúc kết và gìn giữ qua bao thế hệ. Thông qua nội dung, chủ đề các bài hát Sli thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản, nội dung tư tưởng mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và mang đậm bản sắc của dân tộc Nùng, gắn liền với những ý thức và đạo lý cơ bản như: Ý thức về cội nguồn, ý thức về đồng loại, về đạo lý đối nhân xử thế  “uống nước nhớ nguồn”,  sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên.

Dân tộc Nùng gồm nhiều nhánh khác khác nhau, mỗi nhánh lại có kiểu loại hát Sli chính như: Người Nùng Cháo có Sli Slình làng, người Nùng Giang có Sli Giang, người Nùng Phàn slình có Sli bốc, Sli Phàn slình...

{keywords}
Vào dịp lễ hội Háng Đắp (Lộc Bình – Lạng Sơn), người Nùng Phàn Slình ở khắp nơi trong tỉnh Lạng Sơn lại tập trung từ sáng sớm ở bùng binh của thị trấn Lộc Bình để gặp gỡ, giao lưu cùng hát những điệu Sli đặc sắc của dân tộc mình.
{keywords}
Hiện nay rất ít thanh thiếu niên biết hát Sli, chủ yếu chỉ còn những người già, trung niên còn đam mê với hình thức nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Đến với hội hát Sli ở Lộc Bình cũng chỉ hầu hết là người lớn tuổi.
{keywords}
Những người xưa từng là bạn, người yêu… nay đã ở tuổi ông, tuổi bà đến với lễ hội cùng nhau cất lên những làn điệu giao duyên, tự sự ôn lại những kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ.
{keywords}
Hát Sli giao duyên, thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối đối đáp. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng). Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại.
{keywords}
Lời Sli đôi khi không chỉ bao hàm nội dung mượt mà, tế nhị của chuyện tình cảm của bao đôi trai gái mà còn có cả muôn mặt của đời sống như các hiện tượng tự nhiên, các mốc thời gian cùng sự kiện nhân vật và lịch sử… đôi khi có cả những lời chào mời sang trọng, những lời thách đố kiêu ngạo, đáng yêu.
{keywords}
Hai người phụ nữ hát điệu Sli trong lễ hội Háng Đắp.
{keywords}
Những câu hát còn được người đàn ông người Nùng Phàn Slình này ghi âm để thi thoảng nghe lại.
{keywords}
Về hình thức thể loại, nhìn chung Sli có những bài thơ có độ dài ngắn khác nhau. Có bài Sli chỉ khoảng 4 đến 8 câu, lại có những bài Sli dài đến hàng trăm câu, câu thơ thường chỉ có từ 5 đến 7 chữ. Mang đậm dấu ấn bản sắc của dân tộc Nùng. Đến nay, người biết hát Sli không nhiều, nhất là Sli theo đúng nguyên bản ngày xưa.
{keywords}
Hiện nay giới trẻ gần như không có mấy người còn biết hát các làn điệu Sli độc đáo, giàu bản sắc của dân tộc Nùng Phàn Slình nữa.
{keywords}
Các bà, các cô người Nùng Phàn Slình háo hức đến với lễ hội.
{keywords}
 Với những làn điệu đa dạng, đặc sắc, mang đậm bản sắc  dân tộc…,  ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL đưa “Hát Sli dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
{keywords}
Đến với hội hát giao duyên chỉ còn những người ở độ tuổi trung niên trở lên, mà người cao tuổi chiếm đa số.

Ảnh: Nguyễn Quý