-Sau trận lũ lụt lịch sử kinh hoàng ở miền Trung, đồng bào cả nước đã kịp thời chung tay hướng về mảnh đất này. Tuy nhiên, sau đó, “con sâu làm rầu nồi canh”, hàng loạt chuyện buồn đã bị phanh phui quanh việc từ thiện ảo.
Giá trị bộ Tứ linh và tấm lòng ảo
Bức xúc và cay đắng nhất phải nói đến vụ từ thiện “hụt” trong "Đêm hội Hoa hậu Trái Đất và Doanh nhân hướng về đồng bào miền Trung” vào tối 11/11 (TP Hồ Chí Minh). Đêm hội đã làm nức lòng nhân dân cả nước khi phần đấu giá từ thiện các hiện vật quý để giúp đỡ miền Trung sau cơn lũ lụt đã thu về được 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì số tiền “trên giấy tờ” 74 tỷ như đã công bố trên các phương tiện truyền thông thì Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng.
Bộ Tứ linh và những lời hứa “ảo” (Nguồn: Lao động)
Câu chuyện thật, giả của chủ bộ tứ chưa ngã ngũ nhưng kết quả thu lại sau buổi đấu giá hoành tráng này lại là một lời hứa hão huyền. Những hành động này của một số cá nhân, tổ chức đã làm mất ý nghĩa hai chữ “Từ thiện” cao quý.
Từ thiện bằng hàng quá “đát”
Trước đó, dư luận cả nước cũng rất bất bình về vụ việc cứu trợ đồng bào lũ lụt bằng hàng quá hạn sử dụng. Trong hai tấn bột giặt Vì Dân được Công ty TNHH VICO (An Dương, Hải Phòng) ủng hộ cho các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhiều gói bị phát hiện đã hết hạn sử dụng và được nhà sản xuất che lại bằng một cái tem khéo léo trước khi in phun “đát” mới cho sản phẩm.
Cứu trợ bằng hàng quá “đát” (Nguồn: Dân trí)
Tuy nhiên, trên những gói bột giặt được cho là quá date này dọc thân bao đều có in phun dòng chữ NSX 16.11.2010. Chỉ khi gỡ 2 tem nhựa này ra thì mới phát hiện phía trong thân bao lại ghi ngày sản xuất là 15-4-2007. Sau khi vụ việc này bị phanh phui, các cơ quan chức năng ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã phải lập tức thông báo đến các cơ sở nhận được bột giặt cứu trợ của VICO tạm ngừng sử dụng, phân phối sản phẩm.
Muốn nhận quà cứu trợ… phải nộp tiền
Để được nhận gạo cứu trợ lũ lụt, mỗi hộ nghèo phải nộp từ 5.000 đồng – 10.000 đồng cho thôn để thuê người chở gạo về nhà là câu chuyện bi hài xảy ra ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). Khi những hộ nghèo nhận gạo cứu trợ lũ lụt của Chính phủ vào ngày 19/11 đều phải trả tiền theo mức nhận gạo từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng cho thôn. Theo những cán bộ ở đây thì số tiền này được thu để chi trả phí vận chuyển gạo từ xã về thôn. Tình trạng “nhận gạo - nộp tiền” còn diễn ra tại một số vùng khác ở Thừa Thiên - Huế.
Người dân nhận gạo phải nộp tiền (Nguồn: NLĐ)
Ngoài việc đóng tiền để được nhận hàng thì ở Quảng Thọ khi quà cứu trợ về đến tận thôn, các thôn lại chia cào bằng, hộ bị thiệt hại nặng cũng được nhận như hộ không thiệt hại, hộ giàu cũng như hộ nghèo.
Lấy tiền cứu trợ xây cổng làng
Người dân vừa nhận được tiền cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, ngay lập tức bị cán bộ xã trừ vào những khoản thu trước mà người dân đang nợ. Đó là câu chuyện xảy ra ở một số xóm của xã Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh), nơi bị tàn phá kinh hoàng nhất trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua.
Cụ thể vào ngày 12/10, một tổ chức từ TP.HCM đã trao 12,5 triệu đồng cho 25 hộ dân xóm 3 của xã, mỗi hộ được 120.000 đồng. Nhưng người dân ở xóm khốn khổ này đã không được nhận đầy đủ số tiền cứu trợ mà bị trừ ngược trừ xuôi với những khoản nợ, nhiều nhất là nợ tiền xây cổng làng. Vụ việc này đã gây bức xúc cho rất nhiều hộ dân ở xã Hương Đô.
Nhói lòng quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau
Hàng nghìn bộ quần áo cứu trợ là tấm lòng của cả nước hướng về miền Trung nhưng khi chuyển bằng đường sắt vào Ga Vinh để đưa đến người dân bị lũ lụt thì nó đã bị biến làm… giẻ lau.
Trước đó, Hội Chữ thập đỏ Nghệ An đã nhận 5 toa hàng từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở Hà Nội chuyển về, chủ yếu là quần áo cũ.
Số hàng này sau đó được đưa vào kho Công ty Cổ phần cơ khí ô tô Nghệ An thuê chỗ để. Theo đó, Đoàn thanh niên Hội Chữ thập đỏ tiến hành lựa chọn lại đồ nào dùng được sẽ chuyển về cho dân, quần áo rách nát cũ quá không dùng được thì lập biên bản hủy hoặc để lại Công ty ô tô sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên một phần quần áo bị loại đã được đưa đi đổ bỏ ở cầu Bến Thủy và bị người dân phát hiện báo cơ quan chức năng.
Nhiều người tự hỏi, nếu người dân không phát hiện thì những vụ việc như thế này sẽ còn tái diễn đến bao giờ?
Lê Ngọc (Tổng hợp)