Hành trình theo đuổi đam mê
Duy kể về đam mê: “Vô tình nhìn thấy bộ ảnh nhuộm xương trên internet, mình có chút tò mò nên đã học hỏi. Với lại mình thấy động vật chết đi như vậy thì rất tiếc. Mình muốn tôn lên vẻ đẹp của cái chết, làm cho mỗi xác chết có vẻ đẹp riêng. Theo mình nghĩ, động vật cũng sẽ vui với việc đó hơn là khi chết bị đem chôn hoặc quăng vào thùng rác”.
Do đây là công việc khá mới mẻ nên Minh Duy gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Không đủ vật tư, trang thiết bị, hóa chất và đặc biệt là sợ bố mẹ ngăn cấm, Duy phải thực hiện lén việc này trong hơn 2 tháng. “Để nhận được sự đồng ý của gia đình, mình phải chứng minh bằng cách nâng cao các thành tích học hơn trước và cam kết sẽ không sát sinh động vật”.
Để có được những nguyên liệu nhuộm xương, Duy thu mua và xin xác động vật từ các tiệm bán cá cảnh, tiệm thú cưng cũng như từ bạn bè, hàng xóm xung quanh. Sau đó Duy đem về xử lý qua các bước cơ bản như dùng hóa chất để tẩy cho phần da trở nên trong suốt, pha màu nhuộm xương và sụn. Cuối cùng tiêu bản sẽ được bảo quản trong dung dịch.
“Sau thời gian dài làm sản phẩm, mình đã có những kinh nghiệm riêng. Tuy nhiên khó khăn mình vẫn thường xuyên gặp đó là pha màu, làm sao để nhuộm cho đều màu nhất, không được đậm quá và cũng không được nhạt quá”, Duy bày tỏ.
Duy thường làm các tiêu bản trong phòng thí nghiệm nhỏ với các dụng cụ hỗ trợ là máy lọc không khí, đồ bảo hộ và vài lọ hóa chất. Quá trình nhuộm xương đều được cậu tự tay làm, chủ yếu tham khảo các tài liệu trên mạng rồi thực hiện theo cách của mình.
Ngoài ra, những hóa chất được dùng để làm tiêu bản cũng được cậu cẩn thận nhờ người quen mua từ bên Mỹ và Canada gửi về. Một số hóa chất dễ kiếm Duy tìm và đặt mua tại Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn, Duy luôn luôn mặc đồ bảo hộ, đeo máy lọc không khí kĩ càng, sau khi hoàn thành xong sản phẩm, các hóa chất sẽ được cậu xử lý ngay tại nhà bằng máy khử.
“Tái sinh” động vật qua hình hài khác
Sau hơn 2 năm tiếp xúc với bộ môn nhuộm xương, Duy đã có hơn 50 tiêu bản với đa dạng các mẫu, bao gồm cá ngựa, rắn, rồng úc, kỳ đà, thằn lằn... “Thường thì để tạo ra một mẫu vật hoàn chỉnh, mình sẽ mất khoảng 2 tuần đến 2 tháng, tùy vào kích cỡ mẫu vật mà thời gian làm tiêu bản cũng khác. Có tiêu bản mình mất tới 3 tháng để hoàn thành, đó là tiêu bản lâu nhất mình từng làm, là con rắn dài tới 1,2m”, Minh Duy kể.
Cho ra các tác phẩm, Duy nhờ bạn bè nhận xét, góp ý. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ khi những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao lại được làm bởi cậu học sinh lớp 9.
“Bộ môn này ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Lúc đầu mình bị chỉ trích khá nhiều, những người không hiểu họ nói mình sát sinh động vật để làm mẫu, nhưng thực ra không phải. Theo mình đây là làm đẹp cho cái chết, để cho những động vật không may chết đi sẽ được mọi người nhìn nhận bằng góc nhìn khác”.
Minh Duy còn nhận làm một số mẫu xác thú cưng không may mất đi, xử lý sọ thú, độ xương thú thành vật phẩm. Công việc giúp Duy thêm có thu nhập kể từ khi bắt đầu theo đuổi đam mê.
Chia sẻ về dự định trong tương lai Duy vẫn tiếp tục theo đuổi bộ môn nhuộm xương mới lạ nhưng sẽ chỉ dừng lại ở mức phục vụ đam mê của mình. Duy sẽ làm ít lại và tập trung cho việc học nhiều hơn.
“Diaphonization được Schultze phát triển lần đầu tiên vào năm 1897, và sau đó được nhiều nhà nghiên cứu sửa đổi. Diaphonization là quá trình sử dụng các hóa chất để làm trong suốt phần thịt của tiêu bản, nhuộm màu cho phần xương và mô/sụn của tiêu bản, điều chế ra được các chế phẩm có khả năng trưng bày vĩnh viễn, chủ yếu là các động vật nhỏ như cá, bò sát, động vật lưỡng cư”, theo Wikipedia. |
Kiều Trinh