Phụ nữ chiếm 49,8% trong tổng số hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đây lại là nhóm đối tượng yếu thế, thường xuyên phải chịu sự bất bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề bất bình đẳng giới vẫn đang xảy ra hằng ngày tại vùng dân tộc thiểu số. Những người phụ nữ ở đây luôn phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, mù chữ, tảo hôn và bạo lực gia đình.

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và huy động nguồn lực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS, thông qua đó, góp phần thúc đẩy việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới (BĐG) vùng đồng bào DTTS.

Trên tinh thần đó, để tiếp tục cải thiện tình trạng bình đẳng giới tại các vùng dân tộc ít người, để góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, "nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị" đã được UBND Thành phố Hà Nội xây dựng là một trong những nội dung hoạt động chính của Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn TP. Hà Nội (Đề án 73).

Đề án 73 sẽ tập trung triển khai tại 14 xã DTTS thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ); với đối tượng thụ hưởng là cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS, cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên về BĐG và pháp luật trong hệ thống Hội tại địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐG và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ DTTS; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền kiến thức về giới và BĐG tại các địa bàn vùng DTTS và miền núi của TP. Hà Nội, góp phần thực hiện mục tiêu BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đề án xác định một số chỉ tiêu cơ bản như: Phấn đấu 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Hội; 90% trở lên phụ nữ tại địa bàn các xã DTTS và miền núi được tuyên truyền kiến thức về BĐG có liên quan đến phụ nữ; thành lập mới 14 tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ người DTTS tại các xã có đông đồng bào DTTS; tổ chức 3 chiến dịch truyền thông về BĐG và kiến thức pháp luật cho phụ nữ người DTTS tại địa bàn 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; xây dựng 62 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động…

Thực hiện Đề án 73, TP. Hà Nội sẽ triển khai biên soạn tài liệu, tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức BĐG; tổ chức 42 cuộc tuyên truyền tại 5 huyện và 14 xã về kiến thức BĐG, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn cho phụ nữ DTTS về giới, BĐG và tiến bộ của phụ nữ; sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng, kênh thông tin của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội; thành lập, nâng cao chất lượng các mô hình tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình thực hiện BĐG và mô hình tuyên truyền pháp luật đang có, như: “Tủ sách phụ nữ và BĐG”; “Nhóm tư vấn pháp luật cho phụ nữ DTTS”; “Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật”; Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức BĐG, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn và Người có uy tín trong cộng đồng...

Với việc ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án 73, là minh chứng sống động cho thấy Hà Nội đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tích cực thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội vươn lên cho phụ nữa DTTS.

Ngọc Minh và nhóm PV, BTV