Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng diện tích rừng trồng keo hiện nay ở Việt Nam là hơn 1 triệu ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc) và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.
Keo là một trong những loài cây lấy gỗ được trồng nhiều tại Việt Nam nhờ sinh trưởng nhanh, thường đạt khoảng 90m3 gỗ tròn sau 6 năm. Nếu người dân không khai thác gỗ non mà để lại chăm sóc thêm 5 - 6 năm nữa, trở thành rừng gỗ lớn mới khai thác, khi đó trữ lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, giá bán cũng cao gấp 2 - 3 lần.
Keo là loại cây khá điển hình trong trồng rừng hiện nay, theo tính toán của ngành lâm nghiệp, người trồng rừng gỗ nhỏ phải 2 lần đầu tư, với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, thì rừng gỗ lớn chỉ cần đầu tư 1 lần, với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 - 3 lần rừng gỗ nhỏ.
Từ trước đến nay việc trồng rừng gỗ nhỏ vẫn được người dân thực hiện bởi nhu cầu tài chính trước mắt và do thói quen canh tác. Tuy nhiên tới đây với sự rộng mở về thị trường tín chỉ Carbon sẽ tạo ra lợi thế kinh tế lớn cho những người trồng rừng gỗ lớn.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030". Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500 nghìn ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450 nghìn - 550 nghìn ha.
Cùng với đó, Bộ đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Kế hoạch cũng vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000ha rừng mới. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000 - 146.000ha; vùng đồng bằng sông Hồng 6.000 - 9.000 ha; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 280.000 - 348.000 ha; vùng Tây Nguyên 25.000 - 35.000 ha; vùng Đông Nam bộ 7.500 - 10.000 ha; vùng Tây Nam bộ 1.500 - 2.000 ha.
Đặc biệt, khâu chọn lựa giống cho rừng trồng hết sức quan trọng, bởi nhiều nghiên cứu của Viện đã chỉ ra thực tế - năng suất rừng trồng đang có sự suy thoái. Viện Khoa học Lâm nghiệp đã tập hợp các giống cây rừng năng suất vào tài liệu dạng sổ tay để phổ biến cho người dân ở từng địa phương. Trong tài liệu này, các giống cây trồng được chú thích rõ: thích hợp trồng ở vùng nào, năng suất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để người trồng rừng có chọn lựa phù hợp.
Ngoài 2 loài phổ biến là keo và bạch đàn, người dân có thể trồng thêm các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến… Một số loài vừa cho gỗ vừa cho hạt có giá trị cao gồm dẻ Trùng Khánh, mắc ca, sơn tra, trám đen, trám trắng, dổi ăn hạt, cây óc chó...