Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 hợp tác xã trồng trọt, 74 hợp tác xã chăn nuôi, 74 hợp tác xã thủy sản, 4 hợp tác xã diêm nghiệp, 223 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.

Các hợp tác xã tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (1.490 hợp tác xã, chiếm 78,4%); áp dụng công nghệ tự động hóa (151 hợp tác xã, chiếm 12,5%); áp dụng công nghệ sinh học (60 hợp tác xã, chiếm 7,1%); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (16 hợp tác xã, chiếm 1%)… Trong tổng số 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 240 hợp tác xã ứng dụng phần mềm quản lý.

Thời gian 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã rơi vào bế tắc. Tuy nhiên bên cạnh đó, lại có những hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học nên vẫn duy trì được hoạt động, không những vậy còn tiếp tục quảng bá chất lượng sản phẩm. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các hợp tác xã đã tiết kiệm được nhiều loại chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, thống kê cho thấy, trong 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các hợp tác xã này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. 7% hợp tác xã có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% hợp tác xã thực hiện livestream; 7% hợp tác xã thực hiện quảng cáo trên Facebook. Thật đáng tiếc, ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.

Điều này khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.