Cùng với sự phát triển của đất nước, kiến trúc Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, không chỉ về quy mô mà cả về chất lượng.

Sau hơn 20 năm thực hiện Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 (Định hướng 112), đất nước đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là thành tựu phát triển hệ thống đô thị, góp phần hình thành nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển đời sống văn hóa xã hội, làm thay đổi diện mạo từ các đô thị đến nông thôn.

Mạng lưới đô thị quốc gia đã làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Kiến trúc không chỉ tạo cơ sở vật chất, góp phần cải thiện diện mạo của đất nước, điều kiện sống của nhân dân ở thành thị và nông thôn, mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng, đổi mới nếp sống, lối sống và môi trường sống của nhân dân.

Những khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch, kiến trúc nông thôn mới trên cả nước được thực hiện khá tốt về chất lượng công trình cũng như đồng bộ hoá hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu sử dụng đã góp phần tạo lập nên vẻ đẹp và bản sắc kiến trúc Việt Nam hiện đại.

vietnam.png
Ngày càng có thêm nhiều khu đô thị mới, kiến trúc nông thôn mới 

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu, nền kiến trúc Việt Nam cũng còn một số hạn chế. Kiến trúc phát triển đa dạng nhưng chất lượng còn thấp, kiến trúc chưa gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và còn thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Việc quản lý nhà nước lĩnh vực kiến trúc chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ quản lý của nhà nước để điều hành phát triển kinh tế xã hội, thiếu sự gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện. Kiến trúc chưa đổi mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức lập, phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng còn buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

Đô thị hóa nhanh kiến tạo hình ảnh các khu đô thị mới với kiến trúc hiện đại nhưng thiếu tính nối kết không gian với đô thị hiện hữu, thiếu tính trật tự, có sự đa dạng nhưng chưa thống nhất và bản sắc riêng. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, còn tùy tiện và xây nhiều công trình cao tầng sai phép dẫn đến phá vỡ cấu trúc chung đô thị.

Còn những công trình tuy lớn về quy mô nhưng thiếu sự đầu tư, sáng tạo về hình ảnh công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc cao, chưa truyền tải được đặc trưng kiến trúc của dân tộc. Không gian kiến trúc cảnh quan, trang trí đô thị, tượng đài và quảng trường, cây xanh không đồng bộ với cấp độ của đô thị hạng I, II và đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.

Khu vực nông thôn việc xây dựng khá tuỳ tiện, chưa có định hướng xây dựng hình thái kiến trúc cho từng vùng, dẫn đến kiến trúc pha tạp, bê tông hóa nhà ở nông thôn, cấu trúc làng xã đã biến dạng, đang làm mất dần bản sắc nông thôn Việt Nam. Đối với các nhiên cứu hệ thống nhà ở có kiến trúc nông thôn phù hợp khí hậu miền núi và nông thôn, ven biển miền trung chưa có hiệu quả cao.

Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên tại khu vực nông thôn trong thời gian qua tuy đã được chú ý, nhưng vẫn chưa được tiến hành thường xuyên và thiếu hệ thống, đôi khi do phát triển kinh tế nên nhiều di sản kiến trúc gắn với lịch sử và cảnh quan đã bị xâm phạm, hoặc cải tạo kiến trúc sai gốc làm mai một các giá trị văn hóa và lịch sử vốn có của các công trình theo thời gian.

Đội ngũ sáng tác kiến trúc nước ta thời gian qua chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của giới kiến trúc còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các chủ đầu tư; trình độ lý luận, phê bình nghệ thuật và công nghệ thiết kế còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động sáng tác kiến trúc còn thấp chưa theo kịp thế giới.

Yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước đặt ra cho kiến trúc Việt Nam những yêu cầu mới, như: Giữ gìn bản sắc văn hoá, kế thừa, phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống; làm rõ và khẳng định những đặc trưng của kiến trúc Việt Nam; hấp thụ và tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc; đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và hoà nhập môi trường sinh thái trong xây dựng, tìm ra những kiến trúc phù hợp cho khu vực nông thôn, đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, mang lại lợi ích to lớn, lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau.

Để làm được điều này, phải chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và phê bình kiến trúc, gắn lý luận với thực tiễn, ứng dụng các công nghệ mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc; tổ chức các hoạt động giao lưu, mở rộng, phát huy các mối quan hệ hợp tác, liên kết nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về kiến trúc Việt Nam; thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cao vị thế công nghiệp văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc trên trường quốc tế.

Linh Trang và nhóm PV, BTV