Bàn về yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong Nhà nước pháp quyền, PGS, TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong một bài viết sâu sắc đã góp bàn như sau:
Theo quan niệm phổ biến, ý thức pháp luật là hệ thống tri thức, quan điểm, học thuyết về pháp luật thể hiện qua nhận thức, tư tưởng, ý chí, tình cảm, niềm tin, thái độ, sự đánh giá của con người (cá nhân, tổ chức, xã hội) về sự cần có của pháp luật, về bản chất và giá trị, tính đúng đắn, hợp lý, công bằng của pháp luật trong quá khứ, của pháp luật hiện hành và pháp luật cần phải có, về các mối quan hệ giữa pháp luật với hành vi của các chủ thể pháp luật trong các quan hệ pháp luật cụ thể.
Ý thức pháp luật phản ánh quan điểm, trình độ nhận thức, sự hiểu biết, hệ thống tri thức về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật cũng như thái độ, phản ứng của chủ thể đối với việc thực hiện pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể khác. Ý thức pháp luật bao gồm tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Tư tưởng pháp luật phản ánh thông qua quan điểm, quan niệm, sự hiểu biết, nhận thức của cá nhân về pháp luật. Tâm lý pháp luật biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác.
Để Nhà nước tổ chức và hoạt động, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật (khoản 1, Điều 8, Hiến pháp năm 2013), ngoài yêu cầu phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần hội đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân vì sự phát triển bền vững của đất nước; tôn trọng pháp luật, có tình cảm và thái độ đúng đắn đối với pháp luật, tự giác và nghiêm túc chấp hành, tuân thủ, bảo vệ pháp luật, có tinh thần đấu tranh chống lại các hành vi coi thường và vi phạm pháp luật, thể hiện tâm lý pháp luật tích cực.
Ngược lại, nếu cán bộ, công chức, viên chức không có niềm tin, không đồng tình với pháp luật hoặc không ủng hộ giải quyết vấn đề theo pháp luật thì sẽ phản ứng tiêu cực bằng cách không hành động hoặc phản đối, không tôn trọng pháp luật, người đại diện có thẩm quyền thực thi pháp luật. Nếu thiếu kiến thức pháp luật thì cán bộ, công chức, viên chức khó có thể hướng dẫn, tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.
Ý thức pháp luật đối với người lãnh đạo, quản lý rất quan trọng. Người càng có nhiều mối quan hệ xã hội thì càng bị ràng buộc bởi nhiều quy tắc xử sự. Quyền hạn càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn. Đằng sau mỗi quyết sách chính trị, công vụ là sự ràng buộc, trách nhiệm và rủi ro pháp lý. An toàn pháp lý trong quản lý chỉ có được khi người quản lý hành động và quyết định một cách hợp pháp. Việc xử lý hậu quả sẽ phức tạp và mất thời gian hơn nhiều so với thực hiện pháp luật ngay từ đầu một cách hợp pháp. Hơn nữa, khi vi phạm, người cán bộ bị giảm sút uy tín và mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, muốn tránh được các rủi ro pháp lý thì người cán bộ, công chức, viên chức phải có ý thức pháp luật, tôn trọng, nghiêm túc thực hiện, chấp hành và tuân thủ pháp luật.