Với 138 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh và tuyến huyện trên cả nước, chất lượng khám, chữa bệnh ở các tỉnh ngày càng được nâng cao, người dân không phải đi xa vẫn có thể tiếp cận kỹ thuật cao, giảm quá tải tại các BV tuyến cuối.
85% bệnh viện vệ tinh có xu hướng giảm chuyển tuyến
Tháng 11/2018, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trên cả nước có 23 bệnh viện hạt nhân, chủ yếu là bệnh viện tuyến T.Ư chuyển giao các kỹ thuật y tế cho 138 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh và tuyến huyện, nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới và từng bước giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Sau 5 năm, Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hướng giảm chuyển tuyến lên tuyến T.Ư, từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.
Cán bộ bệnh viện vệ tinh được nâng cao trình độ tay nghề. Bệnh viện tuyến trên có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học. Người bệnh cũng được hưởng các kỹ thuật cao mà không cần đi xa như: thụ tinh ống nghiệm, chạy thận nhân tạo, mổ nội soi…
Đáng chú ý, mô hình bệnh viện vệ tinh không chỉ dừng lại ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà được nhân rộng ra nhiều bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện ngoài công lập. Đây là bước chuyển được đánh giá tích cực, giúp người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng ở nhiều nơi, không còn lo lắng “cân đo” chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến.
Tiếp tục nâng cao chất lượng bệnh viện vệ tinh
Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 được Bộ Y tế triển khai nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hoạt động khám chữa bệnh thông qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp các cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ở tuyến dưới. Hiện Đề án đã chuyển sang giai đoạn 2, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra 63 tỉnh thành.
Hiện khó khăn lớn nhất các bệnh viện T.Ư gặp phải khi chuyển giao chính là ở chất lượng nguồn nhân lực. Để giải quyết vướng mắc này, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện vệ tinh sẽ được nhân rộng đến các bệnh viện tuyến huyện, xã và sẽ triển khai hệ thống Temedicin, hỗ trợ hội chẩn trực tiếp qua màn hình với các ca cấp cứu không thể chuyển lên tuyến trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị những bệnh viện tuyến cuối như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, K Trung ương... bên cạnh hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới, cần tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế và triển khai thực hiện các kỹ thuật cao
Để tiếp tục nâng cao chất lượng của các bệnh viện vệ tinh, từ nay đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ triển khai đề án bệnh viện vệ tinh mở rộng chuyển giao kỹ thuật thêm các chuyên khoa khác như: nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc…
Diệu An