Việc hiếu nghĩa, ma chay ở mỗi vùng quê lại có tục lệ riêng, tôi chỉ thấy giờ là thời hiện đại thì việc cỗ bàn đám ma nên bỏ. Gần 1 năm qua, gia đình chồng tôi xảy ra bất hòa với họ hàng cũng chỉ vì cỗ đám ma.

{keywords}
 

Bố chồng tôi là công nhân về hưu, mẹ chồng là nông dân. Gia đình chồng sống ở làng quê nên rất nặng nề phong tục.

Ông bà có 5 người con, chồng tôi là con út. Năm ngoái bố chồng tôi phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện trả về, chỉ 3 tháng sau thì bố lâm chung.

Tất cả con cháu về chịu tang bố. Tôi là dâu út, được mẹ chồng giao cho việc ghi chép, quán xuyến thực phẩm, cỗ bàn cùng với cậu mợ.

Quê chồng tôi có lệ, cứ khách đến viếng đám ma là mời vào mâm. Cỗ đám ma to như cỗ đám cưới và mọi việc sẽ có anh em, họ hàng hỗ trợ.

Tuy vậy, một số người họ hàng có tính xấu, chỉ cần gia chủ không để ý là xách thịt thà, chè thuốc về nhà mình. 

Mấy lần có công việc, nhà tôi đã bị mất đồ như thế nên chị chồng nhắc tôi phải ở nguyên dưới bếp để trông coi thực phẩm.

Tôi nhìn cảnh ăn cỗ linh đình trong khi con cái khóc lả người bên linh cữu bố mà cám cảnh. Tuy nhiên, một chuyện khiến tôi thấy ái ngại nữa là chuyện khóc thuê. 

Quê chồng tôi có lệ, đám ma lúc nào cũng phải có tiếng kèn trống, tiếng khóc thuê nỉ non cả đêm thì mới được coi là đám ma to, nhiều người thương xót. Chính vì thế, phường khóc thuê ở đây rất đắt khách.

Khi biết tin bố chồng mất, tôi đã mang về hàng triệu tiền 10 nghìn, 20 nghìn đồng để đưa cho thợ khóc thay vợ chồng, con cái của mình. Mỗi tờ 10 nghìn được đưa ra, người thợ sẽ cầm mic, nỉ non kêu khóc chừng 5 -7 phút. Không có người nhờ khóc, họ sẽ nghỉ, trả lại không gian yên tĩnh cho tang gia.

Với tôi, chút yên tĩnh đó là thời gian quý báu nhưng mẹ chồng tôi thì khác.  

Tiếng kèn, tiếng khóc thuê chỉ dừng độ 15 phút là mẹ chồng tôi lại liếc mắt ra hiệu các con đưa tiền cho thợ kèm lời nhắn: con trai, con dâu khóc bố, cháu trai, cháu gái khóc ông.

Chiều tối, xe ô tô 24 chỗ từ quê nội của bố đưa anh em, họ hàng lên nhà mẹ tôi đông đủ. Ai cũng đặt tiền để nhờ thợ khóc bố. Thế là tiếng khóc thuê cứ nỉ non đến nửa đêm nghe não ruột gan.

Mẹ chồng tôi thấy vậy thì bức xúc, nói riêng với tôi: 'Anh em, con cháu bên nội lúc bố ốm nặng chỉ đến cho cân đường hộp sữa với phong bì 100 nghìn mà giờ thi nhau cho phường khóc thuê kể lể. Thật tệ bạc...'. 

Công việc của bố xong xuôi, mẹ chồng bảo tôi ghi chép tiền phúng viếng vào một quyển sổ. Cùng với đó, mẹ tôi họp những người hỗ trợ lại để hạch toán chi tiêu. Khi nghe cậu mợ tôi thông báo, tổng số cỗ đám ma là 50 mâm khách, hết 40 triệu tiền thực phẩm. Mẹ tôi sầm mặt vì tiếc của. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, bà bình tĩnh trở lại, nói lời cảm ơn mọi người vì đã giúp gia đình lo công việc chu toàn.

Đến 49 ngày bố chồng, mẹ chồng tôi mời thầy cúng và làm 5 mâm cỗ người nhà. Sau bữa cơm, mẹ chồng tôi thay đổi thái độ, đùng đùng mắng cậu mợ gian xảo.

Bà nói, danh sách phong bì phúng viếng có 200 người. Trong đó, gần 20 người là bạn bè của chúng tôi ở xa, chỉ nhờ gửi viếng, làm sao đến 50 mâm khách, cùng lắm cũng chỉ 40 mâm.

Mẹ chồng tôi cho rằng, cậu mợ gian lận, kê khống thực phẩm 10 mâm cỗ để kiếm lợi 10 triệu.

Cậu mợ chối bay chối biến. Hai người còn nói, có tôi ngồi ghi chép, làm sao có chuyện gian dối gì. 

Thế rồi, điều qua tiếng lại ầm ĩ cả nhà, mẹ chồng tuyên bố từ mặt cậu mợ. Bà còn mắng tôi là 'bù nhìn', có mỗi việc ghi chép, quán xuyến cũng không biết làm. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc vì uất ức…

Tôi thấy tục ăn cỗ đám ma và khóc thuê đám ma nên bỏ đi cho nhẹ đầu. Sắp đến ngày giỗ đầu bố chồng tôi, thực sự tôi không muốn về quê vì chán nản, mệt mỏi.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Hãy gửi ý kiến của mình bằng cách viết bình luận bên dưới bài hoặc gửi về địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên báo VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!

 

Mẹ mất, con khóc ngất trong nhà, họ hàng làm 120 mâm cỗ ngoài sân

Mẹ mất, con khóc ngất trong nhà, họ hàng làm 120 mâm cỗ ngoài sân

Gần 120 mâm cỗ là con số mà chúng tôi tính được sau 3 ngày tổ chức đám tang cho mẹ chồng.

 

Độc giả giấu tên (Hà Nội)