Tại nhiều con phố nằm giữa trung tâm Hà Nội như: Hàng Chiếu, Hàng Vải, Cửa Đông… vẫn tồn tại không ít những con ngõ nhỏ, rộng chưa tới 1 m và chỉ cao hơn đầu người chút ít.
Trong hình là một con ngõ nhỏ, chỉ rộng tầm 70 - 80 cm ở phố Hàng Chiếu. Con ngõ cũ kĩ, xuống cấp, hai bên tường bong tróc, trái ngược hoàn toàn với cảnh sầm uất, hiện đại phía ngoài. Cuộc sống của các hộ dân tại đây gặp không ít khó khăn vì sự chật chội.
Gia đình ông Nguyễn Bá Toán có 3 thế hệ cùng sinh sống tại con ngõ 64 trên phố Hàng Chiếu. Căn nhà chỉ rộng hơn 10 m2. Sau hơn 40 năm làm nghề lái xe, nay ông Toán về hưu, ở nhà trông cháu nội.
"Tôi ở đây từ nhỏ, tính ra đã cả 6 thập kỷ. Ngôi nhà này đã qua 4 đời gia đình tôi sinh sống. Hiện trong nhà có 5 người gồm vợ chồng tôi, vợ chồng con trai và cháu nội", ông Toán nói.
Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Toán, đồ đạc xếp chi chít bên nhau. Căn phòng khách cũng là phòng ngủ. Ở đây chỉ đặt vừa chiếc tivi cũ, hai chiếc tủ lạnh - một chiếc để đồ ăn gia đình, một chiếc đựng đồ bán nước hoa quả của vợ ông. Ông Toán tận dụng được gác xép để làm nơi ngủ cho hai vợ chồng và đặt ban thờ treo tường. Các con và cháu ngủ ngay tại phòng khách.
Ông Toán chỉ xuống nền gạch và nói: "Nhà tôi có năm anh em, trước đây chúng tôi trải chiếu nằm ngủ hết dưới đất. Về sau này các anh tôi lấy vợ, dần chuyển đi. Tôi là con út, ở lại chăm sóc bố mẹ. Khi bố mẹ mất tôi ở lại lo thờ tự".
Ông Toán cũng sinh được hai con trai. Con trai cả sau khi lấy vợ đã thuê nhà ra ở chỗ khác. "Nhà chật, ngõ hẹp nên đám cưới các con, tôi phải căng bạt ngoài vỉa hè. Trong nhà chỉ đủ kê cái giường cưới, thắp hương tổ tiên. Chúng tôi tổ chức đám cưới gọn gàng thôi", ông Toán thở dài kể.
Ông Toán cũng thật thà tâm sự: Ở chật chội mãi cũng quen. Cả cuộc đời ông ở đây nên cuối đời cũng vẫn sẽ ở đây.
"Ở chật mãi nó quen rồi. Nhà này mùa hè thì nóng phải mở điều hòa gần như 24/24 còn mùa đông thì lại lạnh hơn bên ngoài", ông nói.
Ngày nào cũng như ngày nào, ông Toán dậy từ 6 giờ sáng, ra ngoài đánh răng rửa mặt, đi vệ sinh rồi lại vào nhà ăn sáng. Thỉnh thoảng mùa hè, ông đi bộ ra Hồ Gươm tập thể dục.
Bà Thanh, vợ ông Toán về làm dâu phố cổ cũng ngót nghét 40 năm. Bà không hề lạ lẫm với cảnh nhà chật chội vì nhà đẻ cũng trong khu phố cổ.
"Nhà tôi và chồng cùng ở phố cổ nhưng quen nhau cỡ 5 năm mới lấy nhau. Sống ở đây, vui buồn có, bất tiện có nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau nuôi con lên người, được học hành và có công việc ổn định. Hiện giờ vợ chồng tôi ở chung vợ chồng con út: Ăn chung, ở chung nhưng vui vẻ lắm", bà Thanh chia sẻ.
Trong căn bếp nhỏ chỉ vừa một người đứng, bà Thanh vừa đun nồi thức ăn cho kịp giờ cơm trưa, vừa tranh thủ phơi quần áo. "Ở đây chật chội nhưng bù lại bước ra ngõ là chợ, mua gì cũng tiện. Ngoài nội trợ tôi còn bán thêm hàng nước ép ở đầu ngõ. Nói trộm vía cũng đông khách", bà Thanh cho hay.
Bà Lưu Thị Thu đã về làm dâu phố cổ và sinh sống trong con ngõ 70 Hàng Chiếu hơn 50 năm. Bà vốn quê ở Thái Bình nhưng lên đây lấy chồng, làm dâu, sinh con. Hai người con lớn của bà đã đi chỗ khác ở nên trong căn nhà 10 m2 chỉ còn bà và con út.
Căn bếp nhà bà chỉ chừng 1 m2, đủ đặt bếp ga, giá đựng bát nho nhỏ, bình nước và nồi cơm điện. "Từ quê lên đây sinh sống, ban đầu, tôi không quen. Quê tôi vốn rộng rãi lắm. Cuộc sống buộc tôi phải thích nghi. Hơn 5 thập kỉ sống ở đây rồi, tôi quen dần, không muốn đi đâu nữa", bà Thu chia sẻ.
Theo bà Thu, ngôi nhà trước đây vốn rộng rãi hơn nhưng sau này, bố mẹ chồng bà chia cho các con, mỗi người chỉ còn một gian nhỏ.
Cùng nằm trong con ngõ với bà Thu, diện tích căn nhà của bà Nguyễn Thúy Hằng cũng chẳng lớn hơn là bao. Tuy nhiên, gia đình bà mới tu sửa lại, xây lên 4 tầng. Tầng 1 ngôi nhà là nhà bếp và phòng vệ sinh.
"Tôi về làm dâu ở đây vài chục năm rồi. Trước đây gia đình khó khăn, nhà nhỏ, đông anh em nên sinh hoạt rất bất tiện. Chúng tôi phải đi tắm nhờ nhà hàng xóm. Sau này, các anh lớn hơn thì đi nơi khác sinh sống, nhường chỗ cho các em. Có điều kiện hơn nên nhà tôi cũng tu sửa để các con ở thoải mái hơn đời tôi chút", bà Hằng chia sẻ.
Con ngõ 70 Hàng Chiếu chỉ vừa một người đi, nếu hai người đi ngược chiều thì phải nghiêng người, nép qua nhau. So với trước đây, các hộ gia đình đã không còn cảnh "tắm nhờ, đi vệ sinh... chờ" nhưng nhiều sinh hoạt vẫn bất tiện do ngõ hẹp, nhà chật.
Theo Dân trí
Kho đồ vật vô giá trong ngôi nhà cũ kỹ của người đàn ông Quảng Trị
Các món đồ cổ này đối với ông Biểu là vô giá từ việc sưu tập, gìn giữ và giới thiệu cho con cháu đời sau biết về những những giá trị của người đời trước để lại.