“Lại sắp đến Tết rồi, cứ nghĩ đến Tết, phải cắm mặt vào bếp suốt 3 ngày để nấu nướng, bưng mâm, dọn cỗ rồi rửa bát đến thâm tím cả tay là mình lại thấy sợ” - chị Nguyễn Thị Kim (Hoàng Mai - Hà Nội) tâm sự.

Quê chồng mình ở Hà Nam, dù 2 vợ chồng đã mua nhà ở Hà Nội và đón mẹ chồng lên sống cùng, nhưng vì tính theo họ hàng thì chồng mình vẫn là trai trưởng trong họ, vì vậy, năm nào mẹ chồng mình cũng giữ thói quen cả nhà phải về quê đón Tết.

Suốt 10 năm làm dâu thì 10 năm như một, cứ khoảng ngoài 20 âm lịch là mình đã phải lục đục chuẩn bị mua đồ về để làm bánh, mứt, kẹo lạc, rồi đậu đỗ, măng miến cho những ngày Tết sắp tới.

Chả là, mẹ chồng mình trước giờ vẫn quan niệm, năm nào cũng phải chuẩn bị chu đáo quà Tết để biếu tất cả anh em họ hàng. Ngặt nỗi, bà không bao giờ đồng ý cho mua đồ làm sẵn vì sợ không đảm bảo, và không ý nghĩa bằng quà mình tự làm.

Thế cho nên, có hôm cô con dâu vừa đi làm cả ngày về, chỉ kịp cơm nước, con cái là đã thấy bà xoay ra làm đủ các loại nào nem chua, kẹo lạc, mứt gừng...

Mình là dâu, thấy mẹ chồng làm thì cũng phải lao vào mà làm cho tới tận khuya. Có hôm làm xong muộn quá, vừa đặt lưng xuống giường chưa ấm thì chuông đồng hồ đã lại báo đến giờ chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà...

Đến ngày 29 - 30 Tết về quê, cả nhà đụng lợn, mình lại sấp ngửa với việc cơm nước rồi lo xào thịt bó giò, gói bánh chưng, bánh tét. Trong khi đàn ông trong nhà thì chỉ lo pha ấm trà rồi ngồi chỉ trỏ bàn tán về mấy cây quất, cây đào, năm nay có đẹp hơn năm ngoái...


Chưa hết, 3 ngày Tết, trong khi mọi người tính chuyện đi chơi, xúng xính quần áo đế tiếp khách thì mình lại cắm mặt vào bếp, hết nấu nướng, dọn mâm, rồi lại rửa bát đến sưng tím cả tay, có khi cấu vào cũng không có cảm giác đau vì liên tục phải nhúng tay vào nước lạnh cóng. Mà lạ hơn nữa là, ở nhà chồng có tục lệ, ai đến chơi, chúc tết cũng được lôi kéo lại “ăn miếng bánh với gia đình lấy may”. Thế là không ai dám từ chối. Vậy nên, nói không ngoa, có năm chỉ riêng mùng 1 Tết, mà mình phải dọn mâm đến cả chục lần.

“Nhưng dù sao, cả năm cũng chỉ có một dịp là phải về quê ăn Tết, nên có khổ một chút cũng còn đỡ hơn là nhiều chị em khác” - chị Kim nói. 


Chị Miền ở Khu đô thị mới Định Công (Hà Nội) thì than thở:

Mình không phải là dâu trưởng, nhà lại có tới 5 anh chị em, nhưng vì mẹ sống cùng 2 vợ chồng nên 1 năm, ngoài dịp Tết, một đám giỗ bố chồng, 2 đám giỗ cụ, tết Thanh minh, Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan... là ăn uống linh đình ở nhà mình thì tuần nào cũng đều như vắt chanh, cứ sáng chủ nhật 2 vợ chồng lại phải dậy thật sớm, đi chợ mua đồ rồi hì hụi nấu ăn cho trên dưới 2 chục người trong gia đình.

Ban đầu, mình thấy tụ tập như vậy cũng vui, nhưng dần dần, mình bị stress lắm. Đi làm cả tuần, được ngày nghỉ thì lại phải lăn ra để phục vụ cả biển người. Ai cũng chờ đến sát bữa ăn mới xuất hiện. Đàn ông thì nhậu nhẹt, say xỉn, có khi nôn ói ra khắp nhà, trẻ con thì nô nghịch, hò hét, lục tung cả 3 tầng nhà lên để chơi trốn tìm... Xong xuôi, nhà nào nhà nấy lại kéo nhau về, để lại một bãi chiến trường cho một mình mình thu dọn.

Có khi stress quá, mình xin giãn ra, vài tháng tụ tập 1 lần thì mẹ chồng lại cau mày, nổi giận vì cho rằng, phải duy trì thói quen đó thì gia đình, anh em mới nhớ đến nhau mà yêu thương nhau. Thế là mình lại phải chịu nhịn.

Cũng chính vì lẽ đó mà mỗi khi bạn bè, cơ quan có dịp tụ tập nhau vào cuối tuần, mình lúc nào cũng phải cáo lỗi. Thành ra, từ khi lấy chồng, mình bị bạn bè xa lánh gần hết, chẳng còn ai nhớ đến mình mỗi khi có dịp họp lớp...

Minh Minh (tổng hợp từ webtretho)

* Tên nhân vật đã được thay đổi