Nằm tiếp giáp với di tích lịch sử Địa đạo Vĩnh Mốc và sông Bến Hải, biển Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được nhiều người biết đến không chỉ bởi nơi đây từng được người Pháp mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi biển” mà còn bởi những sản vật có một không hai.

Người dân tìm kiếm loài sản vật 'ngọt như mía lùi' ở bờ biển Cửa Tùng.

Những ngày giữa tháng 4, khi trời hửng nắng, nhiều người dân địa phương từ già đến trẻ, kéo nhau xuống bãi đá nhô ra biển Cửa Tùng để mò mẫm, bắt một loài ốc đặc trưng được ví “ngọt như mía lùi”.

Tay chậu, tay rổ, vợ chồng chị Đa ra biển để săn ốc.

Loài ốc này có tên ốc sắt. Theo người dân địa phương, chúng được đặt tên bởi có vỏ cứng như sắt, màu vỏ ốc cũng giống màu kim loại nhưng thịt mang dư vị đặc trưng xen lẫn vị mặn mòi của biển và tính ngọt thơm của dòng nước ngọt đổ ra cửa biển.

Người dân chờ nắng lên để thu hoạch sản vật biển.

“Loài ốc này tuy có đầy ở các phiến đá nhưng lựa được con to, chắc thịt thì hơi khó. Chúng tôi thường bắt chúng về ăn vào các dịp có khách ghé chơi. Tuy rằng chúng nhỏ, nhưng khi ăn thì thịt rất ngọt và chắc.

Loài này nấu khó hơn ốc ruộng. Phải có cách nấu riêng thì mới ăn được, nếu nấu sai cách, thịt ốc khi chín sẽ co lại, thụt vào trong không có cách gì lấy ra được”, chị Phan Linh Đa (SN 1989, trú tại thị trấn Cửa Tùng) chia sẻ.

Người dân Cửa Tùng khom người bắt ốc trên các triền đá.

Những ngày qua, nếu có dịp về biển Cửa Tùng, du khách sẽ thấy bất ngờ khi chứng kiến nhiều tốp người khom lưng trên các mỏm đá ven biển.

Cứ sau mỗi đợt sóng, người dân từ già đến trẻ, tay chậu tay rổ, bước đi chậm rãi giữa các kẽ đá với ánh nhìn láo liên. Phút chốc khom người, họ cầm trên tay cả loạt con ốc sắt rồi nhanh chóng cho vào rổ.

Ốc sắt bám đầy vào các phiến đá sau mỗi đợt sóng đánh vào bờ.

Theo người dân địa phương, sau khi bắt về, ốc được phân loại kỹ lưỡng, rửa sạch rồi đưa vào chế biến.

“Loài ốc này luộc hay chế biến thế nào cũng rất ngọt. Nhưng phải biết cách nấu chứ không là rất khó lễ (hành động đưa ruột ốc ra khỏi vỏ - PV)".

Ốc mới bắt lên phải ngâm với nước biển cho sạch cát. Sau đó, bỏ vào nồi đậy kín, bỏ ít nước rồi nấu với lửa to trong ít phút.

Nồi nước vừa sôi là ốc chín, không để trên bếp lâu vì ruột ốc sẽ co lại nằm sâu trong vỏ. Đặc biệt là phải nấu ốc bằng bếp củi mới ngon”, chị Ngô Thị Châu (SN 1971, trú tại thị trấn Cửa Tùng) chia sẻ.

Ngư dân Cửa Tùng thường chọn những con ốc có kích thước to để đưa về bán hoặc đãi khách.

Theo tìm hiểu, loài ốc này được bày bán ở chợ Cửa Tùng với giá từ 30 – 45 nghìn đồng/kg. Nhưng khi được nhập vào một số quán hải sản ở thành phố Đông Hà, chúng có giá từ 75 - 90 nghìn đồng/kg.

Chiến lợi phẩm sau nhiều giờ khom người trên các triền đá ven biển.

Mặc dù việc bắt ốc trên các phiến đá ven biển Cửa Tùng sẽ rất dễ bị té ngã, chấn thương vì những triền đá nhấp nhô, trơn và sắc bén nhưng do nhu cầu cuộc sống, nhiều người dân nơi đây vẫn bất chấp nguy hiểm hàng ngày lăn lê trên các mỏm đá để bắt những sản vật biển này.

Quang Thành - Bảo Lâm