- Giá dầu trên thế giới trong vài năm gần có giảm sâu, sự kiện này gây kích thích phần nào nguồn nhiệt điện chạy dầu. Nhưng xu hướng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) gần như không bị ảnh hưởng gì, thậm chí ngược lại kể từ Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 tháng 12/2015 tại Paris.

Quả vậy, với chính sách tăng cường an ninh năng lượng đa dạng hóa nguồn và phát triển năng lượng bền vững, các nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong vài năm gần đây đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, tổng công suất điện NLTT xây dựng tăng, đồng thời giá điện NLTT tiếp tục giảm ở nhiều khu vực của thế giới. Trong tình hình đó, một số nước đứng đầu về phát triển NLTT như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn kiên định thúc đẩy triển khai các kế hoạch phát triển điện NLTT đầy tham vọng của họ.

Các thông tin từ IEA như “Market Analysis and Forecasts to 2020” đã hiện ra bức tranh toàn cảnh về Dự báo phát triển điện NLTT giai đoạn 2015-2020 như sau.

Các nguồn năng lượng tái tạo chính

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, đến năm 2020, điện NLTT sẽ chiếm gần 2/3 tổng công suất các nhà máy điện trên toàn thế giới xây dựng trong giai đoạn này. Tỷ lệ phát điện NLTT tăng từ 22% năm 2013 lên hơn 26% vào năm 2020 và điện năng được phát từ NLTT sẽ đạt sản lượng lớn hơn tổng nhu cầu hiện nay của các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cộng lại.

{keywords}
Nhà máy điện sử dụng năng lượng gió và mặt trời. Ảnh: Enternews

Các nguồn điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm ưu thế. Trong đó, nguồn điện gió (chủ yếu điện xây trên bờ; không phải trên mặt nước) có tổng công suất xây dựng dẫn đầu trong thời gian đến 2020; chiếm 1/3 và điện mặt trời chiếm 2/3 tổng công suất của hai loại NLTT này.

Nguồn điện tái tạo thứ 3 là thủy điện, với tổng công suất chiếm 1/5 tổng công suất điện NLTT. Còn các loại điện NLTT khác tăng chậm hơn về giá trị tuyệt đối nhưng vẫn tăng công suất một cách đáng kể. Chẳng hạn, năng lượng sinh học phục vụ sinh hoạt với xu hướng hiện nay là thay thế than đá bằng sinh khối ở cộng đồng châu Âu (EU) và ở các nước châu Á.

Về khu vực địa lý

Ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong giai đoạn 2015-2020 gần như chỉ xây dựng mới các nhà máy điện NLTT, trong đó chủ yếu là các nguồn không phải thủy điện. Tổng công suất của khối này sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng công suất điện NLTT trên thế giới. Thị trường NLTT khối OECD chiếm vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Vị trí thứ 3 thuộc về Mỹ và tiếp đến là Nhật Bản.

Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và các nước đang phát triển khác chiếm khoảng 2/3 tổng công suất điện NLTT xây dựng mới đến năm 2020.

Đối với các nước ngoài khối OECD mặc dù điện NLTT tăng lên khá lớn nhưng các nguồn năng lượng hóa thạch vẫn còn có vai trò đáng kể.

Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về phát triển NLTT trên thế giới. Trong giai đoạn 2015-2020, công suất các nhà máy điện NLTT của Trung Quốc chiếm đến 40% tổng công suất điện NLTT xây dựng trên toàn thế giới trong giai đoạn đến năm 2020.

Trong số các nước khác ngoài OECD thì Ấn Độ sẽ tập trung phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời. Ở Braxin, do tình trạng khô hạn, nên kế hoạch phát triển NLTT dựa trên các nguồn không phải thủy điện. Trong khi đó, thủy điện lại được chú trọng phát triển ở một số nước như: Thái Lan, Ai Cập và một vài nước khu vực Trung Đông.

Đối với khu vực Tiểu vùng Sahara, nhờ có tiềm năng NLTT rất lớn, điều kiện kinh tế tốt hơn và với các chính sách khuyến khích phát triển NLTT, dự báo đến năm 2020 điện NLTT sẽ đáp ứng khoảng 2/3 tổng nhu cầu của khu vực. Ở châu Phi, dự báo điện mặt trời qui mô nhỏ cung cấp điện cho hộ gia đình và cụm dân cư khu vực ngoại ô và nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ ở các nước như Ethiopia, Kenya. Tuy nhiên, đối với các nước châu Phi thì vai trò của chính sách NLTT vẫn rất quan trọng đối với sự phát triển NLTT.

Về đầu tư

Vốn đầu tư cho điện NLTT, giai đoạn 2015-2020, được dự báo trung bình 230 tỷ USD/năm, thấp hơn mức 270 tỷ USD năm 2014. Đầu tư hàng năm giảm là do nhu cầu điện năng của thế giới tăng chậm, nhưng quan trọng hơn là do suất đầu tư vào NLTT ngày càng giảm. 2/3 tổng đầu tư nói trên sẽ là đầu tư cho phát triển điện gió và điện pin mặt trời.

Chi phí điện NLTT tiếp tục giảm sâu. Chi phí đầu tư điện gió trên bờ giai đoạn 2010-2015 trung bình giảm 30% so với chi phí năm 2010. Đối với chi phí đầu tư điện mặt trời giảm đến 66% so với năm 2010.

Giai đoạn 2015-2020 điện gió tiếp tục giảm thêm 10%, còn điện mặt trời giảm tiếp 25% so với năm 2015.

Gần đây một số dự án điện gió trên bờ đã được ký kết hợp đồng dài hạn với giá 60-80USD/MWh (hay 6-8Uscents/kWh). Một số dự án tốt nhất ở Ai Cập, Braxin, Nam Phi và một số bang ở Mỹ đã ký hợp đồng với giá 50USD/MWh (5USCents/kWh). Còn đối với các hợp đồng các dự án điện mặt trời đã ký với giá 80-100USD/MWh (8-10USCents/kWh), trong đó các dự án tốt nhất ở Ả Rập Xê Út, Jordan, Nam Phi và một số Bang ở Mỹ có giá chỉ 60USD/MWh. Tuy nhiên, tính cạnh tranh về giá của các dự án NLTT phụ thuộc nhiều vào qui mô, tiềm năng các nguồn NLTT cũng như chi phí nối lưới, truyền tài và các chi phí môi trường liên quan đến NL hóa thạch.

Tuy nhiên, mới đây, tháng 12/2015, với các cam kết có tính toàn cầu của COP21, để có thể đạt mục tiêu nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C vào cuối thế kỷ này, thì sự phát triển NLTT có thêm động lực và cơ hội mạnh mẽ mới. Với sự biến đổi khí hậu trái đất như hiện nay, con người giờ đây không còn đơn giản lựa chọn công nghệ năng lượng có tính kinh tế hơn mà là sự lựa chọn liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của sự sống trên trái đất, sự tồn vong của nhân loại.

Các số liệu thống kê

Các bảng số và đồ thị dưới đây là các số liệu thống kê được hệ thống hóa của Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) về phát triển NLTT trong mấy năm qua, hiện nay và dự báo đến năm 2020.

{keywords}
 Công suất điện NLTT trên toàn thế giới và dự báo (kịch bản cơ sở) đến năm 2020

{keywords}
 Công suất phát điện và dự báo (kịch bản cơ sở) các nguồn NLTT chính giai đoạn đến 2020 trên phạm vi thế giới

{keywords}
Điện năng NLTT trên toàn thế giới dự báo (kịch bản cơ sở). Đơn vị TWh

{keywords}
Điện năng các nguồn NLTT chính và dự báo (kịch bản cơ sở) giai đoạn đến 2020 trên phạm vi thế giới.

Qua các số liệu được tập hợp của nhiều cơ quan nghiên cứu cung cấp và tập hợp trong các bảng và hình trên, những ai quan tâm đến bức tranh của ngành năng lượng sạch cho tương lai sắp tới vẫn có niềm tin rằng, dù giá dầu trên thị trường thế giới có thể giảm, các quốc gia trên Trái Đất vẫn nhắm đến mục tiêu sạch đặt ra ở Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 ở Paris vừa qua. Và Năng lượng Tái tạo vẫn trên đà phát triển đến năm 2020 và còn tiếp diễn thêm nữa.

Minh Trần