Cuộc sống hiện đại nên ngày nay, điều hòa, quạt điện ngày càng được sử dụng nhiều. Tuy vậy, những chiếc quạt giấy vẫn có chỗ đứng nhất định, được nhiều người ưa chuộng bởi sự tiện lợi, đa dạng và mang nét đặc trưng riêng.

Gắn bó với nghề làm quạt giấy đã 4 đời nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thuận là một trong những hộ làm quạt đẹp, có tiếng tại làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), được nhiều khách nơi xa về tận nơi tìm mua.

Từ đầu hè, gia đình chị phải thuê thêm người, huy động con cháu, họ hàng, tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya làm quạt để kịp giao cho khách. Những chiếc quạt đủ hình dáng, màu sắc, hoa văn rải khắp khoảng sân rộng để phơi khô, được xếp gọn gàng, hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng.

{keywords}
Từ đầu hè, người dân làng Chàng Sơn lại tất bật làm quạt giấy giao đi khắp tỉnh thành

 

{keywords}
 Để hoàn thành mỗi chiếc quạt phải trải qua hơn 20 công đoạn 

Tay thoăn thoắt dán giấy làm quạt theo đơn hàng của khách, chị Thuận chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống hàng trăm năm nay của làng Chàng Sơn, đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong vùng. Hầu như nhà nào trong làng cũng làm quạt giấy, từ trẻ em đến người già”.

Tuy mới bước vào mùa nắng nóng nhưng đơn đặt hàng đã lên đến hàng nghìn cái, gia đình chị Thuận phải huy động thêm người làm cho kịp tiến độ. Nhìn những chiếc quạt giấy mộc mạc, đơn giản như vậy nhưng để làm được cũng khá công phu, tỉ mỉ, tính ra phải đến hơn 20 công đoạn mới hoàn thiện.

Ban đầu là khâu chọn tre, xử lý để khử mùi, không mối mọt. Sau đó, chẻ tre thành nhiều đoạn theo kích thước yêu cầu làm phần xương quạt. Tiếp đến phần tay cầm sẽ được vót, tỉa cho đều mịn. Giấy chọn làm quạt là loại giấy bền, dày để quá trình phất không bị nhăn, không dễ bong rách.

{keywords}
Quạt giấy làng Chàng Sơn nổi tiếng về độ bền, đẹp mẫu mã đa dạng.

Theo chị Thuận, khâu khó nhất trong quá trình làm là phất quạt, tức là dùng keo sữa dán phần giấy lên khung quạt. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, nếu không cẩn thận khoảng cách chia khung không đều, bôi hồ không kín, quạt sẽ nhanh bị bong tróc, nhăn nhúm, mất tính thẩm mỹ nên không phải ai cũng làm được.

Quạt sau khi phất xong được đem phơi khô khoảng nửa tiếng, rồi cắt gọt bỏ đi phần thừa, sau đó sẽ đánh giấy ráp là hoàn thiện.

“Tôi hay làm quạt cho các chùa chiền, người đi lễ; các công ty, quà tặng đối tác; hay thiệp mời đám cưới bằng quạt, hoặc xuất đi nước ngoài. Tùy yêu cầu của khách về mẫu mã, kích thước, chất lượng mà mức giá khác nhau”, chị nói.

Như quạt đẹp, nguyên liệu tốt hơn, làm tỉ mỉ công phu hơn thì có giá khoảng 30.000 đồng/cái, quạt rẻ hơn khoảng 15.000 đồng/cái. Vào những ngày cao điểm nắng nóng, đơn hàng từ khắp nơi đổ về, có đợt chị bán lên đến 2.000 cái quạt, cho thu nhập cao.

{keywords}
 Giá mỗi chiếc quạt dao động 20.000-30.000 đồng tùy loại

Tương tự, cô Lê Thị Thu - gia đình có truyền thống làm quạt giấy từ nhiều đời ở làng Chàng Sơn, cũng sản xuất quạt giấy quanh năm, song từ ra Tết đến nay mới rục rịch vào mùa. Đơn hàng làm không xuể, cô phải thuê thêm nhiều nhân công phụ giúp.

Theo cô Thu, một chiếc quạt đẹp phải đạt các tiêu chí như: nan quạt phải đều màu, nan nhẵn, không mùi, không bị mối mọt; quạt dán không bị lệch, phải phẳng đều. Trong đó, phất quạt là khâu quan trọng nhất, phải phất đẹp thì quạt mới đẹp.

Tùy theo kích cỡ, mẫu mã, số lượng khách đặt mà quạt có giá khác nhau. Như quạt bình thường có giá dao động 20.000-30.000 đồng/cái, quạt rẻ hơn có giá khoảng 15.000 đồng/cái.

“Hiện thị trường tiêu thụ quạt giấy đã mở rộng ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước.Từ đầu hè, đơn đặt hàng từ các khu du lịch, công ty,... lên đến hàng nghìn cái. Có đơn hàng cần gấp, tôi phải huy động cả gia đình, nhân công làm từ 4 sáng đến tận 11 giờ khuya để kịp giao khách. Đỉnh điểm nắng nóng, gia đình tôi bán 2.000-4.000 cái quạt, tăng thêm thu nhập đáng kể”, cô Thu cho hay.

Tuy so với nhiều nghề khác, làm quạt giấy thủ công cho thu nhập chưa cao lại theo mùa, nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống cha ông để lại nên nhiều gia đình ở Chàng Sơn như chị Thuận, cô Thu,... vẫn phát triển và tiếp tục truyền dạy cho con cháu giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống.

Phương Anh