Gạo Bao thai Chợ Đồn là một trong những sản phẩm OCOP lợi thế của tỉnh Bắc Kạn, được đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2011. Từ sản phẩm lúa gạo truyền thống, người dân địa phương đã sản xuất, chế biến thành nhiều sản phẩm có chất lượng, giúp nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn trong vụ mùa hằng năm và hiện nay đang được chuyển đổi sang canh tác hữu cơ nhằm cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt, thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2011.

W-dinhhoa.png
Thu hoạch lúa ở huyện Chợ Ðồn

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, gạo Bao Thai là một trong các sản phẩm đặc sản được các HTX chủ động triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa chủ lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thành công các sản phẩm tiêu biểu.

Các HTX đã có những chuyển biến tích cực trong tổ chức, hoạt động. Nhiều HTX đã trở thành cầu nối trong thực hiện các chủ trương của Nhà nước, cung ứng các dịch vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.  

Để đẩy mạnh hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng gạo Bao Thai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, phục tráng giống đầu dòng để cung cấp giống cho người dân với chất lượng tốt nhất.

Huyện Chợ Đồn xác định đây là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương, từ đó xây dựng bản sắc riêng cho nông nghiệp Bắc Kạn nhờ tiềm năng, lợi thế của sản vật này. Sản xuất nông nghiệp huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hàng năm, diện tích gieo cấy lúa vụ mùa của huyện Chợ Đồn đạt hơn 2.400 ha, trong đó lúa Bao thai khoảng 1.700 ha. Giống lúa Bao thai cho năng suất cao, hạt gạo trắng, thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Đa số sản lượng lúa, gạo Bao Thai đều được các HTX trên địa bàn thu mua tạo hướng phát triển bền vững nhờ thực hiện liên kết trong sản xuất. Huyện Chợ Đồn xác định đây là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương.

Để nâng chất sản phẩm gạo, huyện Chợ Đồn cũng đang triển khai mô hình trồng lúa theo hướng chuẩn hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh cũng như thay đổi tập quán canh tác của người dân tại các xã: Yên Phong, Yên Thượng, Yên Thịnh, Đồng Thắng, Tân Lập…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn vừa trao giấy chứng nhận hữu cơ cho diện tích 8 ha lúa Bao thai tại xã Yên Phong. Triển khai trồng lúa hữu cơ với số lượng lớn là hướng đi bền vững, mục tiêu đến năm 2025, huyện Chợ Đồn phấn đấu có 50 ha diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chứng nhận 20ha lúa sản xuất hữu cơ; 50ha diện tích chuyển đổi hữu cơ. Trong đó, vùng trồng lúa, gạo đặc sản Bao thai Chợ Đồn tại các xã Phương Viên và Đồng Thắng. 

Thu Huyền và nhóm PV, BTV