Có nhiều trường hợp người đi đường, nhất là xe ô tô mở cửa ném rác, thậm chí... túi nôn ra đường, có khi trúng mặt người đi sau. Đã có lần tôi chứng kiến một phụ nữ đi xe máy bất ngờ bị một túi rác từ trên xe ô tô ném xuống văng trúng mặt, khiến chị này bị tai nạn. Vậy xin hỏi việc vứt rác như trên có bị pháp luật xử không? 

Trường hợp vì việc đó mà gây tai nạn cho người khác thì bị xử lý ra sao? (Bạn đọc Nguyễn Hoài Nam, Hiệp Hòa, Bắc Giang)

Bạn Hoài Nam thân mến!

Vấn đề bạn hỏi, luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội) giải đáp như sau:

Vứt rác bừa bãi nơi công cộng không những thể hiện ý thức kém, mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát tán nguồn bệnh và mất mỹ quan. Và quả thực là hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp, người đi đường xả rác, thậm chí vứt túi nôn khi đang lưu thông khiến người đi sau trúng phải bị ngã xe hoặc tai nạn.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội)

Để hạn chế tối đa tác hại của rác thải, khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định “Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; …”. Đồng thời nghiêm cấm “Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.” (Khoản 5, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường). Do đó không chỉ người ngồi trên xe ô tô mà bất cứ người nào vứt rác bừa bãi ra môi trường có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị Định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

{keywords}

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội)

Trường hợp vứt rác gây tai nạn cho người khác, căn cứ Điều 604 Bộ luật Dân sự thì người vứt rác có thể phải bồi thường thiệt hại (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

- Phải có thiệt hại xảy ra. (Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.)

- Phải có hành vi trái pháp luật.

- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật

- Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Lưu ý: Đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Như vậy nếu có thiệt hại xảy ra, thì người vứt rác gây tai nạn cho người khác nếu có thiệt hại sẽ phải bồi thường theo thỏa thuận giữa hai bên. Nếu thương lượng, thỏa thuận không thành thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ra Tòa án.

Theo Dân Việt