- Dù giá cước 3G tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới, nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại thấy bạn bè hoặc người thân than trời vì bỗng dưng phải trả cả triệu đồng cước phí 3G trong 1 tháng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cước phí 3G tăng vọt, và nên sử dụng 3G như thế nào để tránh gặp phải hiện tượng này?
Từ những hóa đơn cước 3G tăng vọt bất ngờ
Ngoài những trường hợp thuê bao di động chuyển vùng quốc tế khi đi ra nước ngoài và vô tình dùng dịch vụ 3G roaming khiến hóa đơn cước lên tới hàng chục triệu mà báo chí đã phản ánh khá nhiều, người viết cũng từng gặp một số trường hợp khá điển hình về hiện tượng hóa đơn cước tăng vọt vì 3G ngay trong nước.
Chỉ vì bất cẩn không để ý tới gói cước đang sử dụng, các chủ thuê bao có thể tốn thêm nhiều tiền cước 3G một cách không cần thiết. |
Một nữ đồng nghiệp của tôi sau thời gian đi du học Anh hơn 1 năm, khi về nước đã kích hoạt lại chiếc sim trả sau tạm khóa. Cô nói rằng so với ở Anh thì tốc độ 3G tại Việt Nam rẻ hơn nhiều và thậm chí tốc độ còn nhanh hơn. Dịch vụ 3G ởAnh rất đắt, thường phải tận dụng WiFi ở trường đại học và trong quán cafe để dùng Internet. Tuy nhiên đến khi nhận hóa đơn thanh toán cước tháng đầu tiên về Việt Nam, cô mới giật mình vì cước 3G lên tới hơn 1,2 triệu đồng.
Nguyên nhân do khi kích hoạt lại sim trả sau tạm khóa, dịch vụ 3G trên sim của cô đã chuyển về trạng thái kích hoạt ngầm định, vẫn có thể kết nối 3G nhưng ở trạng thái không đăng ký gói cước. Với dạng kết nối này, tốc độ truy cập Internet từ điện thoại sẽ rất nhanh, nhưng giá cước cũng rất đắt (1.536 đồng/MB), nên chỉ sử dụng 100MB thì cước phí đã là 153.600 đồng, và với hơn 700MB trong 1 tháng thì mức cước cô phải trả đã là hơn 1 triệu đồng. Tất nhiên, cô nữ đồng nghiệp của tôi đã lập tức phải đăng ký gói cước không giới hạn dung lượng 70.000 đồng/tháng với 600MB tốc độ cao để tránh phải mất thêm tiền một cách lãng phí.
Một trường hợp khác, tôi đăng ký gói cước 3G 40.000đ/tháng cho bà cụ thân sinh để đọc báo hàng ngày trên chiếc iPhone 4, mức sử dụng tôi dự kiến không thể quá 250MB/tháng. Nhưng bỗng một hôm, bà gọi tôi nhờ kiểm tra máy vì “mới nạp hơn 200 ngàn thẻ cào vài hôm trước, mà giờ chỉ còn gần 10 ngàn đồng, dù chẳng dùng gì trên điện thoại mấy”.
Sau khi kiểm tra hết các khả năng, tôi mới tìm ra “thủ phạm” chính là do cháu nội của bà cụ (tức con trai tôi) được bà cho mượn điện thoại để chơi. Dù đã cẩn thận xóa mọi game trên chiếc iPhone 4 (và không thể cài game mới từ App Store như điện thoại Android nếu không có mật khẩu Apple ID), nhưng tôi không lường đến khả năng con mình đã biết vào cả YouTube từ trình duyệt web để xem các đoạn clip giới thiệu game và phim hoạt hình.
Kết quả là chỉ sau 2 hôm con tôi xem clip trên YouTube bằng điện thoại, hơn 200 ngàn trong tài khoản trên sim đã hết veo do bị tính cước ngoài gói (sau khi hết 250MB cước trong gói) với giá 512 đồng/MB. Như vậy, chỉ cần dùng ngoài gói khoảng 400MB, mức cước 3G phải trả thêm đã là hơn 200 ngàn đồng.
Nên chọn gói cước 3G theo nhu cầu thực tế
Trước hết, chúng ta cần thấy rõ việc hóa đơn 3G bị tăng vọt xuất phát từ việc bất cẩn như trường hợp cô bạn đồng nghiệp của tôi, hoặc không lựa chọn đúng gói cước sử dụng như trường hợp của tôi, (vì muốn tiết kiệm 30 ngàn đồng/tháng cho bà cụ thân sinh nên chỉ đăng ký gói cước khoán dung lượng 40 ngàn/tháng chứ không đăng ký gói không giới hạn dung lượng 70 ngàn đồng/tháng).
Người dùng tìm hiểu kỹ về các gói cước 3G và nhu cầu sử dụng của mình để sử dụng Internet thoải mái trên smartphone nhưng vẫn tiết kiệm được tiền cước 3G một cách hiệu quả nhất. |
Để hiểu rõ hơn về cách tính cước 3G, người dùng di động cần phân biệt rõ các loại gói cước và giá cước 3G hiện hành của các nhà mạng tại Việt Nam. Giá cước 3G tại Việt Nam hiện có 2 loại chính: Không đăng ký gói (giá 1.536 đ/MB) và có đăng ký gói cước. Trong đó, các loại gói cước bao gồm:
- Đăng ký gói không giới hạn dung lượng, chỉ giảm băng thông khi hết dung lượng tốc độ cao: 70.000 đ/600MB tốc độ cao, 100.000 đ/1.2GB; 200.000 đ/3GB... Đây cũng là nhóm gói cước được sử dụng phổ biến nhất và hạn chế hoàn toàn được hiện tượng tính cước vượt gói, và có tới 93% số người dùng Internet trên smartphone tại Việt Nam lựa chọn nhóm gói cước này.
- Đăng ký gói cước khoán dung lượng và tính cước dung lượng vượt gói: 10.000đ/50MB; 50.000đ/500MB,... giá dung lượng vượt dung lượng khoán của gói là 512 đ/MB. Đây là nhóm gói cước dành cho người ít sử dụng thường xuyên, phù hợp với các nhu cầu như đọc email, duyệt web để xem tin tức vào buổi sáng…
Sẽ có một số người cho rằng giá cước 3G ở Việt Nam hiện còn cao vì giá cước không mua gói lên đến 1.536đ/MB hay giá cước vượt gói là 512đ/MB. Khi không đăng ký gói cước, nếu dùng 600MB/tháng thì khách hàng sẽ phải trả 921.600 đ/tháng, gấp hơn 13 lần so với đăng ký gói khoán 600MB/tháng giá 70.000đ. Hay với việc đăng ký gói cước thấp hơn nhu cầu sử dụng thực tế, chẳng hạn khi đăng ký gói 450MB/tháng với giá 50.000đ/tháng nhưng lại dùng 600MB/tháng, khách hàng sẽ phải trả 126.000đ/tháng cao hơn đăng ký gói 600 MB/tháng trên 81%. Nhưng nếu có nhu cầu sử dụng ít mà lại đăng ký gói cao, vô tình người dùng di động lại cũng lãng phí tiền của mình một cách không cần thiết.
Như vậy, để tránh bị mất tiền oan do dùng 3G không đúng cách, các chủ thuê bao di động cần trở thành người tiêu dùng thông minh, đồng thời tìm hiểu rõ về các gói cước 3G của nhà cung cấp và lựa chọn được gói cước phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình.
- Huy Phong