- Hàng năm, vào mỗi dịp lễ tết, thể hiện sự khoan hồng và nhân văn, Nhà nước ta xét giảm án, tha tù cho những người phạm tội có ý thức lao động, cải tạo tốt. Song hành trên con đường hoàn lương của những người một thời lầm lỗi, dù nhiều chông chênh, chắc trở nhưng luôn có sự tin yêu, lòng vị tha của gia đình và cộng đồng…

Một thời… dọc ngang

Nằm khiêm nhường trên đường Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An (Hải Phòng), quán bia hơi của anh Vũ Hũu Đức lúc nào cũng đông khách.

Vậy nhưng, ít ai biết rằng ông chủ quán đã từng một thời dọc ngang, phải khoác trên mình cả một “mớ” tiền án, tiền sự…

Tuổi thơ của Vũ Hữu Đức là những năm tháng vất vưởng với đủ trò trộm cắp, cướp giật, đánh nhau… Năm 16 tuổi, Đức đã phải đi cải tạo, giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Năm 1980, bến xe Miền Tây tấp nập với những chuyến xe Bắc Nam, Vũ Hữu Đức vừa từ trường giáo dưỡng trở về đã nhanh chóng nổi lên là một tay anh chị có “số”.

{keywords}

Anh Vũ Hữu Đức rũ bỏ quá khứ lầm lỗi, sống hạnh phúc với gia đình bằng công việc bán quán bia.

Khi vừa cưới vợ được mấy ngày, Đức phải chịu án 7 năm tù. Vào trong trại Đức tiếp túc đánh bạn tù, sau đó tìm cách trốn trại nhưng không thành và phải “gánh” thêm 1 năm tù.

Năm 1991, khi mãn hạn tù trở về, được mấy ngày Đức quay lại con đường cũ. Ngoài việc làm luật, Đức còn thu nạp hàng trăm công nhân, thành lập nghiệp đoàn bốc xếp. Thực chất đây là vỏ bọc để che đậy hoạt động bảo kê, làm luật của Đức và cánh đàn em.

Đức tiếp tục phải trả giá bằng bản án 6 năm tù, trong lúc chờ đi cải tạo trại, Đức còn “kịp” xuống tay đánh trọng thương một bạn tù ở cùng phòng và lại phải nhận thêm 3 năm tù.

Đến năm 2005, Đức được xét tha tù trước thời hạn. Nhìn lại thấy mình đã đi quá nửa cuộc đời mà vẫn tay trắng, Đức tự hứa sẽ làm lại.

Cuộc sống ấm êm bên người vợ đảm đang và những đứa con ngoan ngoãn đã thực sự khuất phục Đức. Không ít lần những người bạn cũ tìm đến rủ rê, lôi kéo nhưng đã bị anh thẳng thừng từ chối.

Vũ Hữu Đức còn dũng cảm đứng lên chống lại hành động sai trái, bảo vệ tài sản cho người dân. Với tất cả những nỗ lực vươn lên, Vũ Huy Đức đã vinh dự được Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng tặng giấy khen.

Cũng giống như Vũ Hữu Đức, từ năm 13 tuổi, Đồng Tú Bình (SN 1970, ở khu Tiểu Trà, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) đã bỏ nhà phiêu bạt khắp nơi. Hết đi trộm cắp, lại ngược lên miền núi đãi vàng.

Đến năm 1991, Bình bị bắt đi tù vì tội bắt cóc người để tống tiền. Ra trại năm 1993, Bình ngược ra khu vực Móng Cái làm ăn, lại dính vào ma túy...

Vượt qua những lỗi lầm của quá khứ, cách đây gần 5 năm, Đồng Tú Bình cùng vợ đã mạnh dạn xin địa phương khai khẩn vùng đất hoang để canh tác. Đến nay trên diện tích gần 4ha, màu xanh của cỏ dại dần nhường chỗ cho cánh đồng lúa xanh mướt mắt, những cây chuối bắt đầu trổ buồng.

“Ngoài cấy lúa, trồng chuối, vợ chồng chúng tôi còn nuôi gần 500 con gà giò, nuôi lợn thịt và 4 con bò vàng” – vợ chồng anh Bình vui mừng cho biết.

“Điểm tựa” cho những người cùng cảnh

Mảnh sân vài chục mét vuông dường như đã quá nhỏ khi mà nghề mộc của Nguyễn Duy Dinh (SN 1978, ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) ngày càng phát triển.

Nhìn cơ nghiệp của anh Dinh hôm nay dù chưa phải là “tay to”, nhưng có lúc công nhân trong nhà đến gần chục người làm không hết việc thì nhiều người thật sự thán phục ý chí, sự nỗ lực vươn lên của một con người đã từng một thời lầm lỗi.

{keywords}
Anh Nguyễn Duy Dinh (ảnh phải) sau khi được đặc xá trở về đã tạo dựng cơ sở sản xuất đồ mộc, giúp nhiều người có công ăn việc làm.

Nguyễn Duy Dinh nhớ lại những tháng ngày nông nổi, để có tiền tiêu xài, Dinh cùng đám bạn bày trò trấn lột người qua đường. Sự việc bị bại lộ, Dinh phải trả giá bằng những tháng ngày mất tự do trong trại cải tạo.

Cú vấp ngã đầu đời vẫn chưa làm cho Dinh tỉnh ngộ, Dinh lại tìm đến đám bạn ngày trước tiếp tục tụ vạ, ăn chơi. Để rồi cánh cửa nhà tù lần nữa mở ra “đón” Dinh.

Ngày về của Dinh được rút ngắn bởi kết quả cải tạo, lao động tốt. Trong vòng tay của gia đình, người thân, Dinh cảm thấy tự tin hơn. Đôi bàn tay khéo léo được rèn giũa trong những tháng ngày lao động cải tạo cùng với những đồng vốn ít ỏi của người thân quan tâm giúp đỡ, Dinh bắt đầu cuộc sống mới.

Từ việc đóng mới sửa chữa bàn ghế, tủ kệ cho hàng xóm xung quanh, đến giờ đây Dinh đã có những đơn hàng vượt ra ngoài khỏi phạm vi xã, huyện của mình đến các vùng, miền khác.

Đến bây giờ ngồi ở vị trí “ông chủ” điều hành doanh nghiệp xây dựng, Nguyễn Thế Hùng (SN 1974, ở Lán Bè, quận Lê Chân) vẫn chưa quên cách đây hơn 10 năm trước ngày ngày phê pha triền miên trong làn khói trắng của ma túy.

Để có tiền chích hút, Hùng và đám bạn nghiện thường xuyên đi trộm cắp.

Đến năm 2006, trở về sau khi trả án cho một “phi vụ” trộm cắp, Hùng chưa thực sự yên tâm làm lại cuộc đời và rất mặc cảm về quá khứ của mình. Đúng lúc đó, sự xuất hiện của đại diện chính quyền và các đoàn thể như một luồng ánh sáng mới cho cuộc đời anh sau này.

Từ công việc đạp xích lô, rồi chuyển sang lái xe ô tô chở vật liệu xây dựng. Khi có chút vốn, Hùng chuyển sang làm xây dựng, làm chủ các công trình vừa và nhỏ.

Đến nay, Nguyễn Thế Hùng là chủ một doanh nghiệp xây dựng với hàng chục người lao động, với mức thu nhập mỗi tháng gần 4 triệu đồng/1 người. Nhiều người được Nguyễn Thế Hùng nhận vào làm cũng từng có quá khứ lầm lỗi.

Q.Minh