Khi Iran tự giữ khoảng cách với Damascus sau những thông tin chế độ của Assad dùng vũ khí hóa học chống lại phe đối lập tháng trước, Nga vẫn ủng hộ đồng minh Syria.


{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria trong cuộc gặp tại điện Kremlin năm 2006. Ảnh: Getty Images 

Điện Kremlin cũng không nao núng phản đối lời kêu gọi tấn công quân sự của Tổng thống Mỹ Obama để trừng phạt chế độ Assad vì dùng vũ khí hóa học, thậm chí còn tăng cường sự hiện diện của hải quân Nga ở ngoài khơi Syria.

Tại sao Putin lại ủng hộ Assad? Và lãnh đạo Nga sẽ làm gì nếu Washington tấn công quân sự vào Syria?

Quan chức và các nhà phân tích Nga tin tưởng mạnh mẽ rằng, những chiến binh Ảrập dòng Sunni liên quan tới al-Qaeda sẽ được đặt ở vị trí thuận lợi nhất để nắm giữ quyền lực nếu Assad bị lật đổ, và sau đó họ sẽ đi tới việc thiết lập một chế độ kiểu như Taliban ở Syria. Viễn cảnh này không chỉ gây nguy hại cho chính bản thân Syria, mà còn tác động tiêu cực với các láng giềng, cũng như vùng Bắc Caucasus bất ổn của Nga.

Một số người lập luận rằng, sự gia tăng của các phần tử ly khai ở Bắc Caucasus và những nơi khác tại Nga là kết quả từ những chính sách không phù hợp của Moscow và số phận của chế độ Assad không liên quan. Tuy nhiên, Kremlin lại nghĩ khác. Từ những năm 1990 tới đầu 2000, Moscow đã cáo buộc Ảrập Xêút và một số quốc gia vùng Vịnh khác ủng hộ những người nổi dậy ly khai ở Chechnya. Ngay cả trước khi phong trào Mùa xuân Ảrập bắt đầu đầu 2011, quan hệ Riyadh-Moscow đã có những xung đột. Nga tin Ảrập Xêút và Qatar phải chịu trách nhiệm cho tâm lý chống Moscow nổi lên khắp Bắc Caucasus.

Sau khi Ảrập Xêút và Qatar hỗ trợ quân nổi dậy tìm kiếm sự sụp đổ của các đồng minh lâu năm với Nga là Libya và Syria, Kremlin nghĩ tới một "mưu mô" lớn hơn, là vùng Vịnh nhằm vào Nga. Nhìn nhận này có thể là sai lầm. Cả Riyadh và Doha không mong muốn nhìn thấy sự trỗi dậy của các chiến binh ly khai - có khả năng đe dọa chính sự thịnh vượng của họ. Động cơ nhiều hơn bắt đầu từ nỗi sợ hãi Iran. Chế độ Syria gần gũi với Tehran, và sự lớn mạnh của phe đối lập được Riyadh và Doha coi là cơ hội khiến Iran yếu đi.

Mặc dù nhiều chuyên gia Nga hiểu Iran là mối quan tâm chính của họ, nhưng Kremlin vẫn giữ cách nhìn nhận tiêu cực đối với các dụng ý của Ảrập Xêút và Qatar.

Trước khi có thông tin rộng rãi về việc sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus tháng trước, Moscow thậm chí có niềm tin rằng, họ có sự hiểu biết chiến thuật với Washington về vấn đề Syria. Trong khi chính quyền Obama chỉ trích chế độ này, thậm chí thúc giục ông Assad rút lui. Khác với Ảrập Xêút và Qatar, họ không đưa ra nhiều đề xuất thiết thực giúp đỡ phe nổi dậy Syria. Và kể từ khi kinh nghiệm của Moscow dạy cho Kremlin rằng, họ không thể ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự một khi Washington mong muốn, thì Putin vẫn cố tự thuyết phục bản thân là, Obama thực sự không muốn thấy Assad sụp đổ - để rồi từ đó khiến Moscow "rảnh tay" giúp Syria.

Nhưng, phản ứng của Obama với các thông tin vũ khí hóa học sẽ làm Putin tỉnh ngộ về ý tưởng rằng, phản đối của Washington với Assad đơn giản chỉ là lời nói. Giờ đây, Moscow e ngại rằng, nếu Tổng thống Obama thực thi lời đe dọa, oanh tạc vào Syria, thì cán cân sức mạnh sẽ thay đổi thiên về phía đối lập, và khả năng khiến chế độ Assad sụp đổ.

Putin không muốn điều này xảy ra, nhưng có thể sẽ không can thiệp vào Syria để bảo vệ Assad. Họ sẽ phản ứng giống như những cuộc can thiệp quân sự khác thời hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ, như ở Kosovo, Afghanistan, Iraq và Libya. Moscow không sẵn sàng dính líu trực tiếp vào những cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới Liên Xô cũ.

Dĩ nhiên, cho tới khi chính quyền Obama tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Syria, thì Putin vẫn hy vọng có thể ngăn chặn nó. Nhưng nếu ông không thể ngăn chặn, thì sau đó ông hy vọng sẽ hạn chế được nó. Và nếu không thể hạn chế, ông hy vọng sẽ khiến nó trở nên tai tiếng.

Kremlin không đơn độc trong cuộc tìm kiếm này. Hầu hết các đồng minh mà ông Obama mong muốn tập hợp để tìm kiếm sự ủng hộ về cuộc can thiệp vào Syria cho đến nay vẫn thể hiện sự miễn cưỡng. Bản thân Obama cũng đang đối mặt với sự phản đối từ trong nước với cả quốc hội cũng như công chúng.

Thái An (theo Aljazeera)