- Trong phần cuối của bàn tròn trực tuyến “kỹ năng cho phát triển, góc nhìn doanh nghiệp”, độc giả và các khách mời đã tranh luận với nhau về những vấn đề mang tính dài hơi và căn cốt cho câu chuyện “giải tỏa điểm nghẽn nguồn nhân lực” để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị cao.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Hạ Anh: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông Luis. Ông đã nêu ra sự cấp thiết cần có của hệ thống giáo dục xuyên suốt và linh hoạt để đảm bảo trang bị những kỹ năng tốt cho người lao động tăng sức cạnh tranh trên thị trường việc làm. Điều này khiến tôi nhớ tới một câu hỏi của bạn đọc tên là Phạm Thị Thuỳ Linh, 26 tuổi gửi ngay từ đầu chương trình. Bạn Linh đặt ra một vấn đề mà theo tôi rất vĩ mô, không biết chúng ta giải quyết được đến đâu.

Bạn hỏi như thế này: “Học phải đi đôi với hành đó là triết lý sống của nhân dân Việt Nam từ bao đời. Song, có thực tế là hiện nay chương trình học, khoá học được tổ chức rất nhiều đủ các loại bằng cấp. Nhưng việc thực hành, chính xác là công việc ở Việt Nam hiện nay rất ít. Công việc ít, trải nghiệm ít dẫn tới nhiều bạn trẻ loay hoay không tìm được lối đi chứ chưa nói đến thành công. Vậy phải làm sao để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội?”

Ông Christian Bodewig: Đây là một câu hỏi khó. Để giải quyết được thì cần phải nhiều nhiều triệu đô la và nhiều chiều.

Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra nhiều việc làm cho xã hội trong một giai đoạn rất dài.

Tuy nhiên, những năm gần đây cũng gặp nhiều khó khăn trong để tạo việc làm cho người lao động do những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô, trong khu vực ngân hàng hay các doanh nghiệp.

Điều này cho thấy để tạo ra được cơ hội việc làm cũng như có được thị trường lao động lành mạnh, hiệu quả thì không chỉ là giải quyết các vấn đề trong hệ thống giáo dục cũng như nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Song, chúng ta cũng có thể lật ngược lại vấn đề. Để có thể phát triển thịnh vượng, cũng như có thể thành công với tư cách là một nền kinh tế và theo chân được nhiều nước trong khu vực, đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết rất nhiều vấn đề về mặt cơ cấu trong nền kinh tế nhằm đảm bảo có một môi trường, một nền kinh tế thị trường thực sự hiệu quả, lành mạnh.

Đồng thời, phải giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực để nguồn nhân lực không trở thành “điểm nghẽn”, điểm ách tắc cho sự phát triển ở bất cứ thời điểm nào.

Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình chuyển mình hay chuyển đổi nền kinh tế và sẽ chuyển những loại việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp sang những loại đòi hỏi kỹ năng cao.

Vậy thì phải nhìn thấy được vấn đề về nguồn nhân lực ngay từ sớm, tránh đề nguồn nhân lực trở thành một điểm nghẽn của sự phát triển.

Nhà báo Hạ Anh: Anh Trường cũng là một thành viên hoạch định chiến lược và chính sách cũng như về nguồn nhân lực. Anh có ý kiến gì không?

Ông Lê Tiến Trường: Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động thực sự là vũ khí cạnh tranh lớn nhất trong giai đoạn tới đây.

Đặc biệt là với tất cả các ngành, kể cả những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may thì câu chuyện về năng suất lao động cũng vẫn là nóng nhất.

Chính vì thế, trong các phát triển chiến lược thì phát triển chiến lược về nguồn nhân lực là một trọng tâm đi kèm với sự chuyển đổi trong mô hình đầu tư và mô hình dịch chuyển trong sản xuất.

Khi dịch chuyển lên mức độ cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi trình độ của lao động cũng sẽ khác hơn.

Rõ ràng, về điều này, doanh nghiệp phải tự vận động khá nhiều vì nó là những vấn đề thuộc về yếu tố cạnh tranh của riêng nên anh phải vận động và liên kết với các cơ sở đào tạo.

Rồi liên kết trong đào tạo nội bộ của chính anh để thay đổi trong chất lượng nguồn nhân lực của chính mình.

Tất nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng đào tạo ở bên trong thì sẽ đi sâu vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ không làm việc đào tạo kỹ năng tổng quát để phục vụ xã hội không.

Họ sẽ phải định hướng tới việc cạnh tranh của doanh nghiệp và sự thiết kế trong đào tạo cho người lao động sẽ ở góc độ như vậy.

Người lao động cũng nên sẵn sàng trong tâm thế phải tham gia việc đào tạo bổ sung, đào tạo lại, chuyển đổi mô hình và phương thức làm việc.

Sẵn sàng với tâm thế ấy thì sẽ duy trì được việc làm của mình. Thậm chí, có những cải thiện tốt hơn trong việc làm.

Còn trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh như thế này mà đòi hỏi công việc tương đối ổn định, đều đều thì thực sự là hình mẫu không thể kéo dài được.

Bà Phạm Thị Hồng Ánh: Doanh nghiệp nào cũng vậy. Bởi vì như anh Trường nói con người tốt sẽ quyết định được.

Chúng tôi quan niệm, nếu có con người tốt thì sẽ có dịch vụ tốt đến cho khách hàng.

Ngoài chuyện cam kết đào tạo từ phía công ty, chúng tôi còn có rất nhiều chương trình cũng như các chính sách khác để không những chỉ đào tạo mà còn tìm đúng người tài, có những hướng phát triển đúng đắn cho từng nhóm đối tượng để làm sao nhân viên không chỉ được đào tạo ngày đầu vào công ty mà luôn luôn được đào tạo trong cả quá trình. Và họ sẽ trở thành những người lãnh đạo chủ chốt của công ty.

Nhà báo Hạ Anh: Có lẽ đây là câu hỏi cuối cùng của buổi trực tuyến này. Câu hỏi được gửi qua trang Facebook của Ngân hàng thế giới (WB). Câu hỏi này gửi cho anh Luis và anh Christian: “World Bank sẽ có những hành động cụ thể nào để cải thiện tình trạng thiếu hụt kỹ năng lao động của Việt Nam?” Tôi thấy câu hỏi này cũng gần giống như câu hỏi của một độc giả trên Vietnamnet vừa gửi tới nên chuyển luôn tới các khách mời đây ạ: “Các ông có nhận xét gì về nguồn nhân lực chất lượng Việt Nam so với những nước đang phát triển. Nếu các ông là Phó thủ tướng phụ trách mảng giáo dục đang còn nhiệm kỳ 5 năm nữa thì các ông sẽ làm gì?”

{keywords}
Các thí sinh thi đại học năm nay. Ảnh: Văn Chung

Ông Christian Bodewig: Chúng ta thấy rằng những câu hỏi lớn nhất thì thường xuất hiện vào lúc cuối. Có đúng thế không ạ? Tôi sẽ nói rất ngắn gọn về những việc đang làm hiện nay.

Chúng tôi đã có một mối quan hệ rất chặt chẽ và lâu dài với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Chúng tôi có những chương trình dự án đầu tư để giúp cải thiện hệ thống giáo dục như mầm non hay tiểu học và cả hệ thống giáo dục bậc cao.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có những ý kiến tư vấn chính sách hoặc các dịch vụ tư vấn cho chính phủ trong quá trình đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo.

Chúng tôi thấy Việt Nam thực sự rất nổi trội trong việc tập trung mạnh vào việc tăng cường hệ thống giáo dục và xây dựng hệ thống này trở nên mạnh mẽ hơn.

Đây là một định hướng rất trọng tâm của chính phủ kể từ khi Việt Nam đưa ra chính sách đổi mới. Trong bối cảnh như vậy thì trọng tâm của chúng tôi cho lĩnh vực giáo dục đào tạo trong chương trình hợp tác của chúng tôi cũng rất mạnh. Và chúng tôi đang mong đợi nó sẽ được tiếp tục như vậy.

Có một điều mà Việt Nam cần phải làm là làm tốt hơn và khác đi trong việc nhận ra được điểm mạnh của hệ thống giáo dục của mình và kế thừa, phát huy những điểm mạnh ấy.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng hệ thống giáo dục cơ bản của Việt Nam cũng làm rất tốt nhiệm vụ của mình so với một số nước khác kể cả một số nước giàu hơn Việt Nam.

Chúng ta cũng thấy một điểm mà Việt Nam cần phải tập trung nghiên cứu.

Đó là xem xét lại chương trình giáo dục của mình cũng như phương pháp giảng dạy để có những sự thay đổi.

Đặc biệt là ở hệ thống giáo dục phổ thông cũng như giáo dục tiểu học và trung học.

Chúng ta phải dần dần dịch chuyển để không còn tiếp tục phương pháp giáo dục kiểu như học sinh thì ghi chép bài còn giáo viên thì viết trên bảng đen.

Mà phải làm sao có một phương pháp dạy học mang tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, sinh viên; những hoạt động theo nhóm cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề nhiều hơn rất nhiều so với việc học sinh chỉ có chép bài.

Chúng ta cũng cần nhận ra là phải thay đổi phương pháp giảng dạy để đảm bảo có sự tương tác nhiều hơn trong lớp học.

Trong quá trình thay đổi, cải thiện sự tương tác trong lớp học, Việt Nam cũng đã xem xét kinh nghiệm của một đất nước ở tận phía bên kia của bán cầu.

Đó là Columbia, với một mô hình tổ chức lớp học cho phép có sự tương tác nhiều hơn trong lớp học giữa giáo viên với học sinh cũng như giữa sinh viên với nhau.

Việt Nam cũng đã nghiên cứu và áp dụng những mô hình ấy. Hiện nay, mô hình đang được thí điểm ở 150 trường.

Tôi nghĩ rằng, đây là một bước đi đúng hướng bởi vì vừa phát huy được thế mạnh của hệ thống giáo dục hiện có của Việt Nam; đồng thời cũng thay đổi, cải thiện để học sinh, sinh viên không chỉ có kỹ năng đọc tốt, tính toán tốt mà còn có khả năng giải quyết vấn đề tốt, cũng như có khả năng tư duy phản biện.

Một điểm cuối cùng nữa, tôi cũng nói rất nhanh thôi.

Đó là, việc này không phải chỉ là việc của Chính phủ.

Cụ thể là việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, cũng như sự chuẩn bị có thể sẵn sàng đáp ứng được những thay đổi trong một nền kinh tế luôn luôn vận động như thế này, thì phải đòi hỏi nỗ lực từ các doanh nghiệp, các trường đại học, các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục đào tạo, phụ huynh, sinh viên.

Nhà báo Hạ Anh: Xin cảm ơn ông và các khách mời.

Thưa quý vị độc giả! Về cuối chương trình, lượng câu hỏi đổ về càng ngày càng nhiều. Ban đầu, trên hệ thống chủ yếu là độc giả từ 20, 25, 30 tuổi rất nhiều. Bây giờ, tôi thấy xuất hiện thêm nhiều độc giả từ 40, rồi 50 và già nhất là một độc giả 63 tuổi.

Đúng như anh Christian nói, buổi trực tuyến của chúng ta rất nóng. Do đó, thời lượng dự kiến đã kéo dài tới hơn 30 phút.

Các câu hỏi về trường hợp cụ thể phần lớn đã được khách mời trả lời, các bạn có thể xem ở những phần chúng tôi đã đăng tải. Một số vấn đề bạn đọc đặt ra, chúng ta chưa có điều kiện trả lời tiếp chúng tôi xin hẹn trong buổi trực tuyến sắp tới. Cảm ơn các bạn đã theo dõi chương trình.

Thực hiện: Ban Giáo dục