- Bạn có trăn trở với nền GD của nước nhà? Nếu có, ý kiến của bạn thế nào? Nếu được hỏi: “Nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong giai đoạn này bạn sẽ thực thi như thế nào và bạn sẽ trả lời ra sao?
Còn tôi, nếu được hỏi như vậy tôi sẽ trả lời: “Xây dựng một nền GD trung
thực”. Vâng, nền GD trung thực là nền móng của cải cách giáo dục (CCGD)
của nước ta hiện nay. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của độc giả Phạm Xuân Anh.
Các tin liên quan |
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cú hích để phát triển...
Còn nhớ, trong số báo Văn nghệ Xuân 2004 có đăng bài viết rất đáng chú ý của một vị GS người Pháp. Ông kể rằng ông đã từng sang VN trong những năm chúng ta đang tiến hành kháng chiến chống Pháp. Và ông đã được chứng kiến một điều kỳ diệu: chúng ta đã tiến hành thành công chiến dịch diệt giặc dốt.
Từ một đất nước với đa số người dân không biết chữ, chúng ta đã biến thành đất nước với trên 90% dân số biết chữ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Tại sao chúng ta làm được điều đó? Vì chúng ta trung thực - ông lý giải.
Sau hòa bình, ông có dịp quay trở lai VN khi chúng ta đang tiến hành công cuộc “Đổi mới”. Vấn đề ông quan tâm nhất vẫn là GD.
Ông có dự giờ một buổi thi của SV khoa Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Và ông thực sự kinh ngạc khi thấy SV tự do mở tài liệu trong khi giám thị không có phản ứng gì. Ông có thắc mắc thì được trả lời: Đó là chuyện bình thường. Theo ông, đó là một sự lừa dối - ”một tai họa”.
Tuy nhiên ông cũng được an ủi phần nào khi nghe được câu trả lời của một vị GS Việt Nam tại Hà Nội với con của vị GS này: “Bố mẹ có thể chấp nhận con điểm thấp, con không lên lớp nhưng bố mẹ không chấp nhận con quay cóp, con không trung thực”.
Những gì vị GS người Pháp viết hẳn làm ta suy nghĩ rất nhiều. Vâng, sợ nhất là sự
lừa dối, là sự không trung thực.
Dù đau xót nhưng cũng phải thú nhận một thực tế rằng: những gì vị GS người Pháp viết
là hoàn toàn đúng sự thật - một sự thật cay đắng (điều này ai cũng biết và rất nhiều
người đã lên tiếng). Hậu quả của những việc làm không trung thực như vậy thật tai hại
vô cùng, nhãn tiền nhất là kết quả thi Tốt nghiệp thì cao vòi vọi còn kết quả thi ĐH
thì thật kinh khủng như những năm qua. Xa hơn nữa chúng ta vô tình đã tạo ra “những
công dân tương lai” có những đức tính xấu xa: hình thức, lừa dối, không trung thực…-
“MỘT TAI HỌA”!
Vì sao Hàn Quốc, Nhật Bản bỏ...xa Việt Nam?
Mấy năm qua nạn bằng giả, tệ sính bằng cấp đã trở thành bệnh. Rồi thừa thầy thiếu
thợ; hàng ngàn SV tốt nghiệp mà không xin được việc làm, tệ tham nhũng tràn nan;
nhiều công trình xây dựng tốn kém mà không có hiệu quả…Nguyên nhân sâu xa đó là tính
hình thức, tính không trung thực của mỗi công dân được hình thành ngay trên ghế nhà
trường. Cổ nhân đã dạy: ”biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”, nhưng với cách
đào tạo hiện nay thì làm cho chúng ta không biết mình là ai, thế thì làm sao chúng ta
có thể chiến thắng được.
Vì sao Hàn Quốc, Nhật Bản có xuất phát điểm như chúng ta mà họ lại phát triển đến vậy? Đơn giản bởi họ trung thực, không hình thức màu mè, họ biết đất nước họ nghèo, nhìn thẳng vào thực tế rồi cùng phấn đấu cho bản thân họ, đất nước họ.
Trong một cuộc gặp gỡ với SVVN, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có hỏi: “Khi đội tuyển bóng đá nam nước ta thua trong trận chung kết bóng đá SEA GAMES thì cả nước chảy nước mắt nhưng khi thấy nước ta là một trong những nước nghèo nhất TG, thử hỏi có mấy bạn trẻ chảy nước mắt đây?”
Muốn họ chảy nước mắt khi thấy đất nước còn nghèo, hèn ta phải dạy họ trung thực
đã.
Không thể phủ nhận rằng do bệnh hình thức của xã hội nên đã tạo ra một nền GD hình
thức nhưng ngược lại do nền GD không trung thực nên đã tạo ra những công dân không
trung thực, hình thức ngay ở trên ghế nhà trường dẫn đến xã hội bị “hình thức hóa”.
Để rồi chúng ta không biết mình, biết người, ảo tưởng…
Vậy phải làm thế nào, biện pháp nào khả thi đây?
Xây dựng một nền GD trung thực
Điều quan trọng nhất là ta phải nhận ra đâu là vấn đề quan trọng nhất của CCGD? Đó
chính là: SỰ TRUNG THỰC!
Còn biện pháp ư? Sẽ không khó, bởi cả nước chắc chắn sẽ ủng hộ điều này nên chắc chắn sẽ có nhều giải pháp hay, hợp lý. Chẳng hạn biện pháp ta vẫn áp dụng trước kia: học thật, thi thật. Học thế nào, kết quả thế ấy (giống như kết quả thi ĐH). Đối với người học, do phổ cập GD nên điểm thấp cũng cho đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên phải ghi rõ kết quả trong bằng tốt nghiệp, trong học bạ.
Ví dụ, bằng tốt nghiệp của thí sinh Trần văn A: Điểm :15; Xếp hạng: kém…Nhìn vào
bằng TN anh ta sẽ biết khả năng của mình thế nào? Mình là ai, có thể thi vào đâu, thi
ĐH hay đi học nghề…Rồi dần dần tiến tới việc loại bỏ kì thi Tốt nghiệp và đại học –
hai kì thi vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Thay vào đó là tuyển sinh trên dựa trên cơ
sở điểm số và bài luận như các nước phát triển vẫn thực thi.
Như đã nói ở trên, nếu chủ trương này: Xây dựng một nền GD trung thực - được thực
hiện thì sẽ được sự hưởng ứng của toàn xã hội vì cả xã hội mong muốn và quan trọng
hơn vì đó là gốc của nền GD. Hơn nữa biện pháp thực hiện lại đơn giản, không tốn kém,
thậm chí chỉ cần một cuộc họp của lãnh đạo Bộ ra nghị quyết là xong. Thời gian thực
hiện để đạt kết quả có thể là phải mất nhiều năm, tuy nhiên vì cả xã hội chắc chắn sẽ
ủng hộ chủ trương này nên chắc chắn chỉ một thời gian ngắn chúng ta sẽ có kết quả tốt
đẹp. Lúc đó, nền GD sẽ có một nền móng vững chắc: Nền GD trung thực.
Khi có cái gốc vững chắc này thì các chủ trương, chính sách nhằm CCGD sẽ không
thất bại – chắc chắn như vậy. Đương nhiên khi đó nền GD sẽ tạo ra được những công dân
ưu tú, trung thực…Dám nhìn thẳng vào hiện trạng đất nước và bản thân, sẽ “khóc khi
thấy đất nước còn nghèo”, sẽ không tham ô, lãng phí, không hình thức màu mè, không
làm hại đất nước…Cùng phấn đấu hết mình vì bản thân, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu, vì
Thế Giới đại đồng; tất cả đồng lòng đưa đất nước Việt Nam thân yêu phát triển nhanh và
bền vững, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Cuối cùng, xin hỏi bạn lần nữa: “Nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong giai đoạn này bạn sẽ
thực thi như thế nào?”. Bây giờ thì bạn sẽ trả lời thế nào?
Còn tôi, câu trả lời vẫn là: thực thi, thực thi một cách quyết liệt: XÂY DỰNG NỀN GD TRUNG THỰC!
Ý kiến khác xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn! |
- Phạm Xuân Anh