Tại sao báo chí dần từ bỏ nền tảng tổng hợp tin tức?
Tuần qua, trong làng báo chí thế giới nổi bật lên sự kiện tờ New York Times thông báo ngừng hợp tác với nền tảng tổng hợp tin tức Apple News. Tờ báo này cho biết, Apple News hiếm khi mang đến mối quan hệ trực tiếp với độc giả và ít khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Thay vì tiếp tục hợp tác, New York Times hy vọng sẽ có thêm độc giả trực tiếp đến trang web và ứng dụng di động của riêng mình, từ đó có thêm nguồn hỗ trợ cho các tác phẩm báo chí chất lượng. Tổng số thuê bao độc giả trả phí của họ hiện vượt mức 6 triệu người.
Apple tạo ra nền tảng tin tức Apple News vào cuối năm 2015. Khả năng giới thiệu Apple News trên iPhone đã mang đến lượng độc giả hàng tháng khoảng 125 triệu người, khiến nền tảng này trở thành một trong những nguồn tin được đọc nhiều nhất trên thế giới.
Nhưng quảng cáo trong Apple News được đánh giá là tạo ra doanh thu khá thấp cho các hãng tin. Đối với bất kỳ thuê bao đăng ký nào được phát sinh từ ứng dụng, Apple đều cắt lấy 30%.
Năm ngoái, Apple cho ra đời thêm nền tảng Apple News Plus, dịch vụ đăng ký một gói thuê bao giá 9,99 USD/tháng để được đọc hàng trăm ấn phẩm. Nhưng New York Times đã từ chối lời mời tham gia.
Không những vậy trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm ngoái, Mark Thompson, Giám đốc điều hành của New York Times còn cảnh báo các cơ quan báo chí khác về những rủi ro khi hợp tác với Apple.
“Chúng tôi khá nghi ngại về ý tưởng tạo thói quen cho mọi người để tìm sản phẩm báo chí của chúng tôi ở một nơi nào đó khác”, ông nói.
Apple thu về một nửa trong mức phí thuê bao hàng tháng là 9,99 USD, "phần còn lại sẽ được chia cho các tờ báo tham gia dựa trên thời lượng bạn đọc dành cho bài viết", trang web của hiệp hội truyền thông FIPP chia sẻ.
Nhìn qua ai cũng thấy các tờ báo sẽ được trả ít hơn với mối hợp tác này. Ví dụ, tờ Wall Street Journal thu phí tới 39 USD/tháng trên nền tảng của riêng mình.
Sau sự kiện tờ New York Times thông báo ngừng hợp tác với Apple News, có thể thấy các nền tảng tổng hợp tin tức đã bộc lộ không ít hạn chế sau một vài năm hoạt động. |
New York Times từng phải ngừng hợp tác với nền tảng Instant Articles của Facebook vào năm 2017 và khẳng định đó không phải là nguồn doanh thu đủ.
Không chỉ có New York Times, theo nhận định của Tạp chí Columbia Journalism Review đầu năm 2018, nhiều tờ báo cũng không mấy phụ thuộc vào nền tảng tổng hợp tin tức nhanh của Facebook.
Trong số 72 tờ báo hợp tác với Facebook từ thời ra mắt Instant Articles năm 2015, 38 tờ đã không đăng một bài nào tính đến ngày 17/1/2018. Như vậy, hơn 50% đối tác thời kỳ đầu đã bỏ không nền tảng này.
Ba nguyên nhân chính được rút ra bao gồm khả năng kiếm nguồn thu hạn chế, ít quyền kiểm soát quảng cáo và thiếu dữ liệu về độc giả trên nền tảng.
Sẽ có những hướng đi mới phù hợp hơn?
Từ năm ngoái, Facebook phải trả tiền cho New York Times và một số tờ báo hàng đầu để đưa các bài viết vào tab tin tức trên app Facebook. Một số tờ báo hàng đầu bao gồm Wall Street Journal, Washington Post, cũng như các web tin tức như BuzzFeed hay Business Insider.
“Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc, vì có thể nhận thức rõ ràng rằng Internet đã phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống của báo chí”, CEO Mark Zuckerberg của Facebook chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Dù vậy đến nay chưa rõ Facebook News có hoạt động hiệu quả không, dịch vụ này hiện chưa mở rộng ra ngoài nước Mỹ.
Những bài báo của New York Times cũng đang xuất hiện trên Google News, nền tảng đưa người đọc về website của báo, không giống như Apple News hay các nền tảng tương tự.
Anh Hào (Theo New York Times, Business Insider)
Báo điện tử: Đa dạng nguồn thu hay là “chết”
Doanh thu báo mạng phụ thuộc vào quảng cáo. Trong khi đó, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam có thể sụt giảm từ 15 - 20%. Thực tế này buộc các báo điện tử phải thay đổi mô hình hoạt động.