Cựu quan chức Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và chuyên gia an ninh Nga cho biết việc Nga quyết định công khai danh tính một điệp viên Mỹ trong vỏ bọc quan chức ngoại giao là một động thái 'chưa từng có tiền tệ' trong quan hệ Moscow và Washington mà không rõ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Nga vừa bắt bí thư thứ ba của sứ quán Mỹ tại Moscow là Ryan Fogle vì hoạt động gián điệp

"Chắc chắn là trong suốt Chiến tranh Lạnh và thậm chí sau đó, thực tiễn cho thấy không có chuyện nêu tên lãnh đạo (của cơ quan tình báo) của nước đó" - bình luận của Peter Earnest, người hoạt động tình báo tại CIA suốt 35 năm, chuyên thu thập thông tin tình báo và hoạt động nằm vùng tại châu Âu và Trung Đông.

Earnest và các chuyên gia an ninh khác cho biết họ không hiểu đoạn phỏng vấn trên truyền hình giữa một người được xác định là nhân viên của An ninh Liên bang Nga (FSB) và người bị bắt là Ryan Fogle - được cho là làm việc cho tình báo Mỹ.

Trong đoạn phỏng vấn đó, nhân viên FSB giải thích rằng cơ quan này bắt điệp viên Mỹ Fogle tại Moscow hồi đầu tuần vì một yêu cầu từ hồi cuối năm 2011, trong đó phía Nga muốn lãnh đạo tình báo khu vực (của Mỹ) chấm dứt các nỗ lực 'đầy khiêu khích' của Washington nhằm tuyển bộ điệp viên tình báo Nga. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được lắng nghe.

Trong phỏng vấn này, nhân viên FSB cũng nêu đích danh vị lãnh đạo tình báo khu vực của Mỹ.

Tờ báo Điện tín của Anh cho biết tên của vị lãnh đạo tình báo khu vực đó của Mỹ trùng với tên một vị quan chức "có trong danh sách của sứ quán Mỹ tại Moscow, với chức vụ là Tham tán và được in rõ trong niên giám về cơ quan ngoại giao, truyền thông và doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố - ấn bản thu đông 2012-2013".

Melvin Goodman - người từng là trưởng chi nhánh và là nhà nghiên cứu cấp cao về Liên Xô tại CIA những năm 1970-1980 - nhận định: việc công khai danh tính của điệp viên nằm vùng là một sự 'vi phạm nghiêm trọng' nghi thức ngoại giao.

"Thông thường, những việc này bao giờ cũng được xử 'êm'" - Goodman nói và cho biết thêm là việc công bố tên của điệp viên là 'chưa từng có' trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Nga, Liên Xô.

Goodman nói rằng việc công khai danh tính của mật vụ CIA theo kiểu này là 'chuông báo tử' cho sự nghiệp của điệp viên đó.

Earnest và Goodman cho biết rất khó để dự đoán xem là Washington sẽ phản hồi lại vụ việc này như thế nào nếu không có được bức tranh toàn cảnh về bối cảnh xung quanh việc bắt Fogle và công khai tên của vị lãnh đạo tình báo khu vực.

Goodman cho rằng nếu thật sự là CIA quá nóng lòng muốn tuyển mộ điệp viên của Nga và biết trước là Moscow sẽ phản ứng như vậy, Washington 'có thể sẽ quyết định cho qua mọi việc'.

Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo tình báo khu vực của CIA bị công khai danh tính trong những năm gần đây.

Hồi năm 2010 và đầu năm 2011, các quan chức Mỹ đã buộc tội các nhà chức trách Pakistan chỉ trong vòng 5 tháng đã làm lộ tên tuổi của hai lãnh đạo tình báo khu vực của CIA tại Islamabad cho giới truyền thông.

Tuy nhiên, Earnest lưu ý rằng quan hệ giữa Washington với Pakistan rất khác so với Moscow. Ông này cho biết thêm là không có nghị định thư chính thức nào cho biết các quốc gia phải phản ứng như thế nào trong các vụ việc này.

"Việc này mang tính chất tình huống, và thực tế là việc chúng ta không rõ điều gì đã dẫn đến việc lật tẩy Fogle cũng có nghĩa là chúng ta không hề biết [Nga muốn đưa ra] tín hiệu gì" - ông Earnest nói.

"Điều này khiến cho việc tìm hiểu tín hiệu thật sự từ động thái mới đây nhất trở nên khó khăn gấp đôi. Nó làm cho sự việc càng thêm bí hiểm"- Earnest nhận định.

Còn Goodman cho rằng bắt điệp viên và công bố tên lãnh đạo tình báo khu vực khiến ông ngạc nhiên nhất là khi những tuần gần đây cả Nga và Mỹ đều quan tâm tới việc hợp tác điều tra vụ đánh bom tại Boston tháng trước và chấm dứt xung đột tại Syria.

"Tuần vừa rồi cho thấy rằng còn có chuyện gì đó đang diễn ra" - Goodman nhận định.

Lê Thu (theo RIA)