- Quan hệ Nga-Nhật ngày càng thêm căng thẳng bởi những hòn đảo ở vùng Nam Kuril mà bên nào cũng coi là địa phận của mình. Matxcơva  đưa ra luận chứng rằng những hòn đảo này là khu vực thuộc chủ quyền của Liên Xô theo kết quả Thế chiến II mà Nga thừa kế hợp pháp. Còn Tokyo lâu nay luôn gọi vùng này là “lãnh thổ phương Bắc” của nước Nhật. Thậm chí nhà cầm quyền Nhật Bản còn đặt ra một ngày dành riêng là “Ngày lãnh thổ phương Bắc”.

Thủ tướng Nhật gọi chuyến đi của Tổng thống Nga đến Nam Kuril là “sự lỗ mãng trái phép”. Ảnh: Reuters

Trong dịp đầu Xuân mới này, “Ngày lãnh thổ phương Bắc” diễn ra ở Nhật trên nền quan hệ chính trị song phương đang nóng lên hơn nữa bởi những động thái và phát ngôn của lãnh đạo cao cấp hai phía. Dịp tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Medvedev thân chinh đến thăm hòn đảo Kunashir trong dẫy đảo Nam Kuril, rồi tiếp đến là một loạt quan chức Nga và mới nhất là hôm thứ Sáu 4/2 Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdiukov thực hiện tua thị sát các đảo Kuril, thăm nơi Nga đang đầu tư xây dựng những công trình chiến lược phục vụ yêu cầu quân sự và dân sinh. Trong khi đó, vì không thể đến trực tiếp, các quan chức cao cấp của Nhật Bản đành đứng ở bờ bỉển đối diện tổ chức quan sát khu đảo này từ xa bằng ống nhòm viễn vọng.

Phát biểu với quốc dân trong “Ngày lãnh thổ phương Bắc” hôm thứ Hai 7/2, Thủ tướng Nhật Naoto Kan lớn tiếng tuyên bố: “Tôi cho rằng chuyến đi của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến Nam Kuril là sự lỗ mãng trái phép. Tôi  đã đích thân tỏ thái độ kiên quyết phản đối với Tổng thống Nga trong cuộc gặp của chúng tôi ở Yokohama. Đồng thời tôi một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận vấn đề này ở cấp cao và kêu gọi tiếp nối thương lượng. Tôi ủng hộ phát triển tham khảo ý kiến về hợp tác kinh tế và kêu gọi phía Nga tiếp nối cuộc đối thoại trong tổ hợp chung”.

Không biết nên định tính lập trường của ông Thủ tướng Nhật thế nào, khi ông vừa nói những lời gay gắt trước dân chúng vừa chủ trương đàm phán với phía Nga. Nhưng có lẽ chính lời lẽ khá trịch thượng của người đứng đầu Chính phủ Nhật khi nhận xét về nguyên thủ Nga đã khiến lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Nhật được thể dấn tới. Ngay từ sáng sớm “Ngày lãnh thổ phương Bắc”, đám đông thuộc lực lượng cấp tiến Nhật đã tập trung trước đại sứ quán Nga ở Tokyo, chĩa loa điện hô to những khẩu hiệu chống đối. Đại diện của họ liên tục tới sát cổng tòa đại sứ, đọc lớn các yêu sách đòi trả lại “lãnh thổ phương Bắc”. Một số phần tử quá khích còn bôi bẩn và xé quốc kỳ Nga rồi kéo lê dưới đất.

Hàng trăm cảnh sát và nhân viên an ninh Nhật được huy động để bảo vệ tòa đại sứ Nga, thêm mấy chục xe bọc thép và jeep trấn giữ. Đường phố trước mặt sứ quán quây hàng rào kẽm gai đề phòng trường hợp xe buýt của phái cấp tiến xông vào địa phận của phái đoàn ngoại giao Nga.

Những lối tiếp cận khác nhau tới lịch sử

Trong sử liệu Nga dãy đảo hoang Kuril được nhắc tới khoảng năm 1646, và đến năm 1679 nhà thám hiểm Vladimir Atlasov đã là người tổng hợp dữ kiện cụ thể về quần đảo này. Sang thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, những hòn đảo trong vùng ghi tiếp dấu chân thám hiểm của Danila Antsiferov, I. Kozyrevsky, Ivan Evreinov, Fyodor Luzhin, Martin Shpanberg, Adam Johann von Krusenstern (Ivan Fedorovich Kruzenshtern), Vasily Golovnin và Henry James Snow…

Sau thỏa ước Nga-Nhật mà hai triều đình ký năm 1855, vùng đảo Nam Kuril được tính là của Nhật Bản.

Thời Thế chiến II, theo giao ước ở Yalta giữa các cường quốc đồng minh chiến thắng, nước Nhật bại trận phải trả lại vùng đảo này cho Liên Xô.

Tồn tại yêu cầu pháp lý quốc tế là Hiệp ước hòa bình. Năm 1956, Xô-Nhật ký Tuyên bố chung tại Matxcơva, đồng ý chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Matxcơva cam kết sẽ nhượng lại các đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản như là cử chỉ thiện chí, nhưng chỉ sau khi ký kết Hiệp định hoà bình song phương. Tuy nhiên, Hiệp ước đó vẫn nhùng nhằng mãi không ký được, bởi phía Nhật đòi Liên Xô nhượng lại tòan bộ 4 hòn đảo Nam Kuril.

Từ năm 1981, Nhật Bản đặt ra “Ngày lãnh thổ phương Bắc” vào 7/2 và luôn luôn ràng buộc việc ký kết Hiệp ước hòa bình với việc đòi lại tất cả 4  đảo Nam Kuril.

Còn phía Nga thì dựa theo hiệp ước Yalta 1945 và Tuyên bố chung Matxcơva 1956, và lập trường của Matxcơva là phát triển hợp tác kinh tế tiến tới ký Hiệp ước hòa bình bằng đàm phán, song song và tách riêng là nội dung về mấy hòn đảo Nam Kuril. Matxcơva vẫn xác định trao cho Nhật nhiều nhất là 2 đảo, như Tuyên bố năm 1956.

Như vậy khúc mắc bang giao của hai nước vẫn tựu trung ở chỗ trao 2 hay 4 hòn đảo, vấn đề lãnh thổ là độc lập tách riêng hay ràng buộc gắn liền với ký kết hiệp ước hòa bình, và dựa trên văn kiện lịch sử nào làm cơ sở pháp lý cho thương thuyết.

Tranh chấp ngoại, lủng củng nội  
       
Ông Dmỉty Medvedev đã là nguyên thủ đầu tiên trong lịch sử Xô-viết và Nga đến thăm hòn đảo Kunashir hồi tháng 11/2010. Cho rằng chuyến đi đó là biểu hiện Nga gia tăng vị thế ở vùng “lãnh thổ chiếm đóng”, phía Nhật phản ứng gay gắt. Ngay khi ông Medvedev từ Kunashir về lại Kremlin, Tokyo đã triệu hồi đại sứ của mình tại Matxcơva về nước.

Một mặt Matxcơva phản bác những chỉ trích của Tokyo, mặt khác vẫn “việc ta ta làm”, liên tục có các chuyến thăm của quan chức cấp cao Nga đến vùng biển đảo này. Sau ông Medvedev, lần lượt có chuyến đi của Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, rồi Thứ trưởng Quốc phòng Dmitry Bulgakov và Bộ trưởng Khu vực Viktor Basargin đến vùng đảo Kuril. Chuyến thị sát kiểm tra mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov có vẻ là “giọt nước làm tràn cốc nước” khiến phía Nhật tức giận và ông Thủ tướng nêu ý kiến gay gắt nhắm vào Tổng thống Nga.

Tuy nhiên, nội tình chính giới Nhật về vấn đề những hòn đảo Nam Kuril không phải là nhất quán. Trong “Ngày lãnh thổ phương Bắc” 7/2, tại nghị viện Nhật Bản cũng đã khởi phát xì-căng-đan. Ngoại trưởng Seiji Maehara công khai chỉ trích cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama bởi ông này nghi ngờ tính hiện thực trong lập trường của Tokyo tại các cuộc thương lượng với Nga theo nội dung Nam Kuril. Tại cuộc điều trần trong Ủy ban ngân sách của Hạ viện Nhật, người đứng đầu cơ quan đối ngoại đương nhiệm phê phán: “Tôi những muốn yêu cầu cựu Thủ tướng không nên phát ngôn những tư tưởng khác biệt với quan điểm của Chính phủ, ngay cả khi chỉ nêu ý kiến cá nhân”.

Sự thể là bởi cách đây ít hôm, cựu Thủ tướng Hatoyama đã tuyên bố rằng, nếu cứ đòi ngay một lúc cả 4 hòn đảo Nam Kuril (Kunashir, Habomai, Sikotan và Iturup) sẽ là không thực tế. Chính trị gia này còn cảnh báo, yêu cầu như vậy “chỉ dẫn tới sự bất đồng ý kiến hòan tòan tại các cuộc đàm phán với Matxcơva”. Còn nhớ, khi nhận cương vị đứng đầu nội các Nhật, ông Yukio Hatoyama  từng hứa hẹn đạt tiến bộ nhanh chóng trong thương lượng với Nga về Nam Kuril. Trên thực tế ông  không đưa ra được ý tưởng gì mới mẻ. Cộng thêm với đà sa sút uy tín bởi những vấn đề đối nội và đối ngoại khác như khủng hỏang kinh tế và không dời nổi căn cứ quân sự của Mỹ khỏi đảo Okinawa, chỉ 8 tháng sau ông Hatoyama đã phải từ nhiệm.

Tại cuộc mit-tinh ở Tokyo, nơi ông Kan đưa ra tuyên bố “nóng”, cùng hiện diện với các nghị sĩ và thành viên Chính phủ còn có cả Ngoại trưởng Seiji Maehara. Lên phát biểu sau Thủ tướng, ông Maehara nhấn mạnh rằng ông đặt mục tiêu tòan bộ sự nghiệp chính trị của bản thân “để làm sao mau chóng đạt tới giành lại  vùng lãnh thổ cội nguồn” cho nước Nhật. Người ta còn nhớ rằng, năm 2009, dưới thời Chính phủ Hatoyama, ông Seiji Maehara giữ cương vị Bộ trưởng về điền địa, giao thông, đảo Okinawa và “lãnh thổ phương Bắc”, và ông này đã nêu luận đề về “sự chiếm đóng trái phép” của Nga tại Nam Kuril. Cuối năm 2009, Chính phủ Nhật đã thông qua văn kiện, trong đó sử dụng cách biểu đạt này của ông Maehara để nói về những hòn đảo Nam Kuril và quan hệ với Nga. Mặc dù Thủ tướng Hatoyama phải từ chức, nhưng như đang thấy hiện nay, vị Bộ trưởng chuyên trách về Okinawa và “lãnh thổ phương Bắc” là ông Maehara vẫn ở lại trong nội các mới, đảm nhận cương vị quan trọng hơn.

Ngày 10/2, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của nước Nhật sẽ lên đường tới Matxcơva để đàm phán. Thiếu hậu thuẫn chính trị là sự nhất trí quan điểm của chính giới Nhật Bản,  trước mắt vị quan chức cấp cao này đang là thách đố phức tạp. Dư luận đang chờ xem Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ xoay xở ra sao khi đã đặt cược cả công danh sự nghiệp của mình vào kết quả cuộc thương lượng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và lập trường rắn của Kremlin về vấn đề lãnh thổ.

Đan Thi
(Từ Nga)