Ngày 20/2, Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo Nga đã phê duyệt vắc xin Covid-19 thứ 3 để sử dụng trong nước, mặc dù các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với loại vắc-xin này chưa diễn ra.
Vắc xin mang tên CoviVac do Trung tâm Chumakov (St Petersburg, Nga) sản xuất. Đơn vị này được Mikhail Chumakov thành lập năm 1955 từng hợp tác sản xuất vắc xin bại liệt.
Trước đó, Nga đã phê duyệt 2 loại vắc xin Covid-19, bao gồm cả vắc xin Sputnik V, do Viện Gamaleya của Moscow phát triển, theo cách tiếp cận tương tự là cấp phép trước khi xem xét kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối.
Việc phê duyệt trước đã làm dấy lên lo ngại của một số nhà khoa học ở phương Tây. Nhưng việc tiêm chủng chỉ bắt đầu trên quy mô đại trà ở Nga sau khi các thử nghiệm được kết thúc, cho thấy vắc xin có hiệu quả.
Sputnik V đã được phê duyệt vào tháng 8 và các thử nghiệm giai đoạn cuối bắt đầu vào tháng 9. Việc tiêm chủng đại trà tiến hành vào tháng 12, sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có hiệu quả 91,4%.
Kể từ đó, hơn 2 triệu người Nga đã được chủng ngừa ít nhất 1 liều của Sputnik V.
Thủ tướng Mishustin cho biết: “Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất đã có 3 loại vắc xin chống lại Covid-19”.
Vắc xin CoviVac được tạo ra từ một loại virus corona đã bị tước bỏ khả năng tái tạo.
Theo nhà virus học Alexander Chepurnov, CoviVac bao gồm tất cả các thành phần của virus, tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng hơn, có khả năng bảo vệ cơ thể trước bất kỳ biến thể nào.
Vắc xin được tiêm 2 liều, cách nhau 14 ngày. Dược phẩm này có thể bảo quản và vận chuyển trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Thử nghiệm trên 200 người từ 18 tới 60 tuổi cho kết quả khả quan. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu vào tháng 9/2020. Các nhà nghiên cứu khẳng định không có phản ứng phụ, kể cả sốt.
120.000 liều đầu tiên sẽ được sản xuất và cung cấp trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào tháng 3. Sau đó, Trung tâm Chumakov sẽ sản xuất nửa triệu liều mỗi tháng.
Phó Thủ tướng Minister Golikova cho hay Nga sẽ sản xuất 88 triệu liều vắc xin trong 6 tháng đầu năm, trong đó có 83 triệu liều Sputnik V.
An Yên (Theo Reuters)
Chiến lược cung ứng 150 triệu liều vắc xin Covid-19 của Việt Nam
Song song đàm phán nguồn vắc xin nước ngoài, Việt Nam đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với vắc xin.