Cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu hôm nay với số lượng tàu tham dự lớn chưa từng có.


Theo báo mạng Chinanews, sự kiện này kéo dài sáu ngày và được tổ chức ở ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc thuộc Hoàng Hải. Còn Tân hoa xã cho biết, sáng nay, ở gần thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, các quan chức Nga và Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu tập trận.


Tàu chiến Nga tới căn cứ hải quân ở Thanh Đảo, Trung Quốc để tham gia tập trận chung. Ảnh: THX


Động thái trên diễn ra vào thời điểm Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự và khẳng định chủ quyền quả quyết hơn ở các vùng lãnh thổ tranh chấp bao gồm một chuỗi đảo ở biển Hoa Đông mà cả Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc và một số nước châu Á cũng có cạnh trạnh chủ quyền với các đảo không có người ở thuộc Biển Đông - vùng biển được tin là rất giàu trữ lượng dầu và khí tự nhiên, cũng như sở hữu những tuyến vận chuyển chiến lược với thương mại toàn cầu.

Theo Tân hoa xã, các hoạt động diễn tập sẽ tập trung vào khả năng phòng không chung, chiến thuật chống ngầm, nghiên cứu và tìm kiếm. Hải quân hai nước cũng sẽ diễn tập giải cứu các tàu bị cướp biển chiếm giữ và tập trận chống khủng bố.

Trung Quốc có 16 tàu hải quân và hai tàu ngầm tham gia tập trận, trong khi Nga có bốn tàu chiến. Hôm thứ năm, Trung Quốc khẳng định, cuộc tập trận nhằm mục đích bảo vệ hòa bình khu vực. "Cuộc tập trận chung được lên kế hoạch từ lâu giữa Trung Quốc và Nga nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Nga và Trung Quốc đã cùng tham gia bốn cuộc tập trận quân sự chung kể từ năm 2005, trong đó có cả một số nước khác. Hai bên trước đó đã tổ chức cuộc tập trận chung vào 2005 nhưng đây là lần đầu tiên họ tổ chức tập trận hải quân chung, một chuyên gia Trung Quốc cho biết.

Ân Trác, một chuyên gia nghiên cứu về hải quân nhấn mạnh, số lượng các tàu tham dự tập trận là chưa từng có. "Cả hai bên sẽ có những trao đổi sâu sắc về chiến thuật và công nghệ”, chuyên gia Ân nói trên truyền hình.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái này có thể khiến các láng giềng châu Á lo lắng. Bắc Kinh và Tokyo đã có tranh chấp lâu này về chuỗi đảo gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay Senkaku (Nhật Bản) - là vùng dồi dào nguồn cá và có thể giàu tài nguyên năng lượng.

Cho đến nay, Nhật Bản thể hiện không nhiều mối quan tâm tới cuộc tập trận - diễn ra ở phía bắc chuỗi đảo tranh chấp khoảng hơn 1.000km.

Nhưng Bộ Quốc phòng Nhật nói trong một thông báo gần đây rằng, Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động ở vùng nước gần lãnh thổ Nhật Bản trong khi Nga tổ chức thường xuyên hơn các cuộc diễn tập quân sự tại vùng Viễn Đông của họ.

Một vụ đụng độ khác trên biển cũng xảy ra hồi đầu tháng này và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cả Trung Quốc và Philippines đã điều tàu ra vùng đụng độ là bãi đá ngầm ở Biển Đông mà cả hai bên cùng đưa ra tuyên bố chủ quyền.

Thái An (theo channelnewsasia)