Sau khi văn phòng Tổng thống Ukraina tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài với Nga tại đông Ukraina, Moscow đưa ra bản kế hoạch bảy điểm để chấm dứt xung đột tại đông Ukraina.
AP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Mông Cổ, cho biết theo kế hoạch này, quân ly khai ở miền đông Ukraina phải ngừng tấn công, lực lượng quân đội của Kiev sẽ lui lại ở một cự ly nhất định để pháo và hỏa tiễn của họ không thể bắn vào khu vực dân cư.
Ông Putin hối thúc việc quốc tế giám sát ngừng bắn, trao đổi tù binh và chuyển cứu trợ nhân đạo tới những vùng bị tàn phá.
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp hôm 26/8/2014. Ảnh: RIA |
Các đại diện của Nga, Ukraina, phe ly khai và Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) có thể hoàn tất thỏa thuận hòa bình này vào ngày mai.
RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko ủng hộ việc Nga sẵn sàng thực thi kế hoạch hòa bình tại đông Ukraina.
Theo ông Poroshenko, kế hoạch hành động phải bao gồm các nghĩa vụ chung về lệnh ngừng bắn, thiết lập vùng đệm, rút mọi lính nước ngoài khỏi lãnh thổ Ukraina, thả tự do cho các con tin.
Ông Poroshenko nói ông hy vọng rằng đối thoại vào thứ Sáu tại thủ đô Minsk, Belarus, có thể cho phép các bên ‘có bước đi thực sự để đạt được hòa bình’.
Tuy vậy, Mỹ và phương Tây vẫn hoài nghi kế hoạch này, nói rằng đây không phải là nỗ lực đầu tiên.
Phát biểu ngay tại Estonia – cửa ngõ của Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng ‘đây là một thời điểm mang tính thử thách’ cho các nước phương Tây đứng lên đương đầu với Nga.
Cùng lúc, Lầu Năm Góc tuyên bố cử 200 lính tham gia tập trận tại tây Ukraina vào tuần tới.
Đây hầu như chỉ là một động thái mang tính biểu trưng, ở một nơi cách xa ‘tâm điểm’ xung đột tại Ukraina, nhưng lại là lần đầu tiên lính Mỹ hiện diện trên đất Ukraina kể từ khi khủng hoảng bùng phát.
Trong hôm nay, ông Poroshenko cũng có cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu để thảo luận về vấn đề xung đột tại Ukraina bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales.
Các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận khả năng trừng phạt vào kinh tế Nga nặng nề hơn, nếu không có chiều hướng tích cực nào được tạo nên.
Lê Thu