- Sau thời sa thải, các ngân hàng giờ lại đua nhau tuyển dụng. Tuy nhiên, chớ nhìn thấy con số tuyển dụng hàng trăm, hàng nghìn người mà đã vội mừng, bởi sau đó vẫn là những câu chuyện kẻ ở, người đi.

Đi vẫn đi, tuyển vẫn tuyển 

Từ cuối 2011 đến nay là thời kỳ tương đối khó khăn của ngành ngân hàng trước áp lực tăng trưởng kinh doanh và kiềm chế lạm phát. Có lẽ vì thế, các ngân hàng liên tục thay đổi CEO. Sacombank 3 năm thay 2 tướng, nữ CEO được nhiều kỳ vọng của VIB cũng tại vị được khoảng 6 tháng rồi lặng lẽ ra đi. Ngoài ra, Techcombank, ACB... cũng phải thay CEO.

“Ghế CEO ngân hàng thu nhập rất tốt, nhưng ngược lại cũng vô cùng áp lực. Tổng tài sản của ngân hàng cực kỳ lớn nên người đứng đầu cũng sẽ chịu nhiều áp lực. Áp lực tăng trưởng tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh, không đạt thì ‘rát mặt’ với HĐQT, đại hội cổ đông. Áp lực kiểm soát nợ xấu căng không kém trong khi hệ thống lại lớn” - một chuyên gia cấp cao nhân sự cho biết. 

Mở rộng ra, với cấp giám đốc chi nhánh, sự biến động còn mạnh hơn. Mới đây, một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) cùng một lúc thanh lý hợp đồng lao động với 2 giám đốc chi nhánh “vì lý do cá nhân”, nhưng ai cũng biết vì lý do gì. Hay một ngân hàng TMCP khác cũng mạnh tay cho cả ban giám đốc một chi nhánh về làm chuyên viên xử lý nợ. 

Chuyện đi - ở của giám đốc chi nhánh không phải là hiếm, bởi có những chi nhánh trong vòng 5 năm thay 3 giám đốc; trong đó, 1 giám đốc nghỉ việc, 1 giám đốc về làm cán bộ xử lý nợ. 

{keywords}
Nhân sự ngành ngân hàng có nhiều biến động

“Giám đốc chi nhánh có mức lương tốt, nhiều quyền lợi, có xe đưa đón... nhưng áp lực đủ điều, chúng tôi tóm tắt thành câu “Giải ngân mạnh, thu phí dịch vụ cao, huy động tốt, thu nợ giỏi và giải trình pro”. (giải trình với các cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán do yêu cầu của NHNN và cơ quan hội sở gần đây - PV) - giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP chia sẻ. 

Thực tế, trên website các ngân hàng, thông tin tuyển dụng giám đốc chi nhánh, PGĐ chi nhánh không phải là ít, thậm chí có khi còn nhiều ngang cấp chuyên viên. Theo một chuyên gia nhân sự, điều này cũng hoàn toàn bình thường, vì những lý do sau đây: 

Thứ nhất, các ngân hàng thì đang tìm kiếm để phục vụ công tác phát triển mạng lưới. “Hiện việc thành lập PGD/Chi nhánh mới không nhiều và liên tục như trước nhưng vẫn có. Hàng năm các ngân hàng đều thành lập mới các đơn vị kinh doanh nên việc tuyển dụng bổ sung là lẽ thường. Đáng nói hơn, các ngân hàng thường có xu hướng thu hút nhân sự cấp tương đương hoặc gần tương đương của nhau. Đương nhiên, ngân hàng này tuyển được người thì ngân hàng kia lại khuyết một vị trí. Lúc đó, họ lại phải tuyển dụng hoặc bổ nhiệm nhân sự cấp dưới lên”. 

Thứ hai, bổ sung nhân sự vì biến động chuyên môn. “Giám đốc ngân hàng lúc vui có thể được nhiều ưu đãi, tôn vinh, tuy nhiên, nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 2-3 kỳ liên tục hoặc nợ xấu tăng cao sẽ bị ‘trảm’ ngay. Lúc đấy thì lương sẽ giảm, ôtô đưa đón bị cắt” - một chuyên viên nhân sự ngân hàng tiết lộ. 

Vì thế, thời gian qua, không ít giám đốc chi nhánh sau thời tung hoành đã bị cách chức, điều chuyển về tập trung công tác xử lý nợ. Giám đốc nào may mắn hơn được chấm dứt hợp đồng lao động trong êm ấm. Giả sử, nếu cố tình nghỉ mà không hoàn thành việc bàn giao, ngân hàng sẽ từ chối thanh lý hợp đồng lao động và gửi công văn cảnh báo toàn hệ thống  khi đó khó có thể tìm được cơ hội ở ngân hàng mới. 

Điều này chứng tỏ nhân lực cấp cao ngành ngân hàng lúc nào cũng thiếu mà chưa thấy có biện pháp khắc phục. 

Cấp nhân viên cũng biến động

Mấy tháng gần đây, thông tin tuyển dụng của các ngân hàng đang tràn ngập trên các diễn đàn. Những cái tên “nổi bật” đợt này phải kể đến Ngân hàng Quân đội - MB tuyển dụng tập trung cho Hội sở và các chi nhánh với hai vòng thi viết, vấn đáp khá quy củ và đông đúc. Eximbank thì lại đăng banner tuyển dụng tại nhiều báo điện tử lớn, với con số ấn tượng: hơn 500 nhân sự. Cùng với đó, những tuyên bố tuyển dụng số lượng “khủng” 700 đến cả nghìn người phát đi từ các ngân hàng như Vietcombank, VP, Maritime Bank... 

Điều này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng thực sự của các ngân hàng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ hơn, các vị ví cần tuyển lại tập trung vào các vị trí mang tính chất kinh doanh: chuyên viên quan hệ khách hàng, chuyên viên tư vấn khách hàng... “Đây sẽ là những cán bộ làm công tác kinh doanh trực tiếp, phát triển khách hàng, phát triển dư nợ và các dịch vụ ngân hàng” - chuyên viên tuyển dụng của một ngân hàng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo một số chuyên viên nhân sự, việc tuyển dụng của các ngân hàng đã âm thầm diễn ra từ trước. 

{keywords}
Ngân hàng vẫn là một lĩnh vực hot thu hút nhiều nhân lực 

“Các cuộc đào thải lần trước nhắm chủ yếu vào các vị trí mang tính chất back-office, các vị trí mang tính chất vận hành, hỗ trợ, không trực tiếp kinh doanh và cán bộ kinh doanh không đạt chỉ tiêu chứ chưa bao giờ nhằm vào bộ phận kinh doanh. Và việc tuyển dụng các vị trí kinh doanh vẫn diễn ra khá thường xuyên, liên tục. Không tin, cứ vào mục tuyển dụng tại website các ngân hàng lúc nào cũng thấy tuyển vị trí này” - chuyên viên nhân sự trên nói. 

Thời buổi hiện nay, vị trí chuyên viên khối kinh doanh của ngân hàng ngày càng trở nên “thiếu hấp dẫn” vì chịu quá nhiều áp lực. “Thực ra, việc tuyển dụng số lượng lớn là đánh trúng vào tâm lý muốn có kinh nghiệm của người mới ra trường, chứ cũng không quá thu hút người đã có kinh nghiệm. Vị trí quan hệ khách hàng luôn chịu áp lực rất lớn về mặt chỉ tiêu, cũng như các trách nhiệm cá nhân. Anh cho vay thì phải đi đòi. Thời điểm này rủi ro đầy rẫy nên vị trí mệt mỏi là đương nhiên” - một chuyên viên quan hệ khách hàng nhận xét.

“Lương chuyên viên quan hệ khách hàng có thể cao, hơn chục triệu  một tháng, nhưng đánh đổi là bao nhiêu áp lực. 3 tháng không đạt chỉ tiêu dư nợ cũng bị đuổi, nợ xấu tăng lên cũng bị áp lực phải đi thu hồi, phải giải trình vì sao cho vay, bị nghi ngờ, bị phỏng vấn... Chưa kể, giờ xuất hiện nhiều kẻ lừa đảo ngân hàng, cứ sơ xẩy một tý là mất nghiệp, có khi còn tù tội” - một chuyên viên vừa bỏ việc ngân hàng kể.

Giám đốc nhân sự một ngân hàng nhìn nhận: “Đúng là tỷ lệ bỏ việc của vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng luôn cao nhất trong hệ thống. Ban lãnh đạo cũng hiểu rằng đây là vị trí chịu nhiều rủi ro và rất vất vả. Chúng tôi cũng có xử lý kỷ luật một số cá nhân, song là do họ cố tình làm sai; còn nếu họ làm đúng quy trình, khách quan, vô tư thì ban điều hành luôn bảo vệ họ”. 

Nguyễn Thanh Ngọc