Đa số ngân hàng áp lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn ở kịch trần 7,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng thấp nhất là 9,5%/năm.

Ngày 26/3, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm về 7,5%/năm, từ mức 8%/năm hiện nay.

Tuy nhiên, tại thời điểm này đã có nhiều ngân hàng công bố biểu lãi suất mới. Trong đó, các ngân hàng đều áp lãi suất kỳ hạn 1 đến dưới 12 tháng ở mức kịch trần 7,5%/năm.

Với kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng, nhưng do lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đã giảm nên các ngân hàng cũng giảm lãi suất ở kỳ hạn dài.

Theo đó, phổ biến các ngân hàng áp lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng ở 10 - 10,5%/năm. Cá biệt, Eximbank áp lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở 9,8%/năm, còn OceanBank áp lãi suất chỉ 9,5%/năm với kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.



5 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank MHB) - chiếm thị phần lớn nhất về huy động vốn, hiện chưa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 26/3.

Tuy nhiên, từ ngày 20/3, Vietcombank đã đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động. Ngân hàng này giảm lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 đến 3 tháng từ 8%/năm về 7,5%/năm trước khi có quyết định hạ trần. Kỳ hạn trên 12 tháng, Vietcombank giảm lãi suất từ 10,5%/năm về 9,5%/năm.

ACB từ ngày 23/3 cũng giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn xuống 7,8%/năm và 9,8 - 10,5%/năm với tiền gửi trên 12 tháng.

Như vậy, có thể thấy nhiều ngân hàng đã chủ động với đợt giảm lãi suất này của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, lạm phát 3 tháng đầu năm chỉ ở 2,39%.

Cụ thể, tính đến 21/3/2013, số dư tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng thương mại đã tăng 3,86% so với cuối năm 2012, trong khi tín dụng mới chỉ tăng 0,03% - nguồn tin từ Thời báo Ngân hàng cho biết.

Trên thị trường liên ngân hàng, hôm nay (25/3), lãi suất qua đêm chỉ ở 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng ở 5,2 - 6,5%/năm.

(Theo Gafin)