Tất nhiên, việc huy động vượt trần ở các ngân hàng không hề công khai trên giấy tờ mà “tuân thủ nghiêm ngặt” quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian gần đây, lãi suất huy động xuống mức thấp, với mức trần chỉ còn 7%/năm, thậm chí ở nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất chỉ còn 5% cho đến 6,5%/tháng.
Lãi suất thấp, việc huy động tiền gửi của ngân hàng cũng sụt giảm theo trong khi hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc kể từ giữa năm khiến nhiều ngân hàng quay trở lại huy động vốn vượt trần.
Chẳng hạn như tại ngân hàng O., nếu như trước đây, các khoản tiền gửi phải trên 500 triệu đồng mới được “cộng” lãi suất, thì đến nay, chỉ tiêu chỉ còn trên 100 triệu đồng. Mức cộng lãi suất là 1%, tức khách hàng được nhận lãi suất thực là 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Hay như tại ngân hàng V., khách hàng có khoản tiền gửi kha khá khoảng trên 200 triệu đồng cũng nhận được lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Một ngân hàng tên V. khác cũng có chính sách tương tự.
Ở nhiều ngân hàng khác, chính sách cộng lãi suất không được cao như các nhà băng kể trên song cũng có mức cộng từ 0,3% cho đến 0,5% cho khách gửi tiền nhiều.
Không chỉ áp dụng lãi suất cao hơn trần, nhiều ngân hàng còn có các nhân viên chăm sóc khách hàng rất tận tình. Dù khoản tiền gửi chỉ vài chục triệu đồng nhưng nếu có nhu cầu, chỉ cần gọi điện là nhân viên kinh doanh có thể đến tận nơi làm thủ tục cho khách và đưa tới chi nhánh gần nhất để gửi tiền.
Tất nhiên, việc huy động vượt trần ở các ngân hàng không hề công khai trên giấy tờ mà “tuân thủ nghiêm ngặt” quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tức là trên giấy tờ, khách gửi tiền chỉ nhận được lãi suất khoảng 6,7% - 7%/tháng, đến kỳ trả lãi trả đúng phần lãi theo mức này. Còn phần cộng thêm sẽ được trả theo nhiều cách mà các nhân viên ngân hàng thường tư vấn cho khách là “sẽ có biện pháp nghiệp vụ hợp lý hóa”, với dạng chi thưởng và trả qua tài khoản ATM là phổ biến.
Việc cộng lãi suất cho khách gửi tiền trở nên không quá xa lạ nên ở những ngân hàng không có chính sách này, tình hình huy động vốn khó khăn hơn và xuất hiện cả tình trạng khách hàng rút tiền để chuyển sang gửi ở ngân hàng khác.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hải ở Tân Mai (Hà Nội) là một điển hình, mới đây chị đã đến chi nhánh của ngân hàng T. để rút tiết kiệm do nhà băng này chỉ huy động lãi suất ở mức 6,8%/năm để chuyển sang ngân hàng khác sẵn sàng trả lãi 8% cho chị. “Thời buổi kinh tế khó khăn, lãi suất tiền gửi xuống thấp nên mức chênh lệch 1% là cả một vấn đề nên dù là khách “ruột” của ngân hàng này tôi cũng phải nói với các chị ấy thông cảm và vui vẻ cho tôi rút tiền về”, chị Hải cho biết.
Dường như các ngân hàng cũng nhận thấy việc không có lãi suất cộng sẽ khó hút khách gửi tiền. Tại nhiều ngân hàng, mỗi khi khách hàng làm thủ tục rút tiền thường được các cán bộ giao dịch hỏi rất tỉ mỉ về lý do rút tiền để…làm báo cáo.
Theo lãnh đạo của một ngân hàng có hội sở chính ở Tp. Hồ Chí Minh, trên thực tế huy động tiền gửi, nhất là các khoản tiền lớn, theo lãi suất niêm yết rất khó, nên các ngân hàng đa phần phải có các mức cộng ít nhiều để giữ chân khách hàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất xuống thấp như hiện nay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất đã ở xu hướng giảm liên tục trong năm nay nhưng tính đến 20/8, huy động vốn của toàn hệ thống vẫn tăng 9,5% so với cuối năm 2012 trong khi tín dụng tăng 5,4% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%.
(Theo Thi trức trẻ)