Để không xảy ra tình trạng ngân hàng thiếu vàng để tất toán hợp đồng với người gửi vàng, theo một số chuyên gia trong ngành, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn một lần nữa thời điểm ngừng hoạt động huy động và cho vay vàng ra sau ngày 25-11.

Để lập lại trật tự trên thị trường vàng, đầu năm ngoái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ngưng huy động và cho vay vàng kể từ ngày 1-5-2011 và các ngân hàng có một năm để tất toán các hợp đồng đã ký, đến 1-5-2012, toàn bộ hoạt động cho vay và huy động vàng phải dừng hẳn.

Tuy vậy, đến gần thời điểm tháng 5-2012, lượng vàng trong kho của ngân hàng chưa đủ để tất toán, vì vậy, để giảm áp lực cho các ngân hàng thương mại, NHNN đã gia hạn thêm 7 tháng, đến ngày 25-11-2012 để các ngân hàng ngừng hẳn các hoạt động này theo Thông tư 11.

Vàng: cầu nhiều, cung ít

Sau đợt gia hạn này, các ngân hàng đã chuẩn bị cho việc đóng trạng thái vào ngày 25-11 sắp tới và nhiều ngân hàng đã chấm dứt việc giao dịch liên quan tới vàng. Số ngân hàng chưa đủ vàng để trả cho dân không quá nhiều.

Thế nhưng, trong tháng 8 vừa qua đã xảy ra hiện tượng người dân rút vàng ra khỏi ngân hàng, thậm chí rút trước khi đáo hạn, khiến một số ngân hàng không chuẩn bị kịp, phải viết giấy hẹn trả vàng sau cho người dân.
Hiện nay, việc rút vàng đã giảm hẳn; nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vàng và mua vàng ngoài thị trường để gia tăng thanh khoản. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất huy động vàng và giá vàng tăng lên mức cao nhất trong một năm mà TBKTSG Online đã phản ánh.

Khi ngân hàng tăng mua, giá lên cao, người dân vẫn không bán vàng ra, thậm chí còn mua vào, dẫn đến cầu tăng nhưng cung không tăng tương ứng do NHNN đã ngừng cấp phép nhập khẩu vàng. Trước tình hình cung vàng không đủ đáp ứng nhu cầu, một số chuyên gia cho rằng NHNN nên xem xét cho các ngân hàng nhập khẩu vàng để điều hòa thị trường.

Nhập vàng hay gia hạn?

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành vàng, việc nhập vàng để bổ sung cho thị trường trong nước tuy cần thiết nhưng chỉ là biện pháp tâm lý. Trên thực tế, NHNN không thể cho nhập khẩu vài chục tấn vàng lúc này, vì như thế cần lượng ngoại tệ rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Nếu các ngân hàng gom ngoại tệ để nhập vàng thì tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, cho rằng giải pháp dễ thực hiện nhất lúc này là gia hạn thời gian cho các ngân hàng đóng trạng thái, nhằm giúp cho họ từ từ mua vàng vào để giảm áp lực lên nguồn cung vàng.

Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng với nhu cầu lớn như hiện nay, khả năng bù đắp ngay lượng vàng thiếu hụt ở các ngân hàng thương mại là rất thấp. Vì vậy việc gia hạn thời gian ngưng huy động và cho vay là cần thiết. Ngoài ra, theo ông Hải, NHNN cũng phải quản chặt hơn hoạt động liên quan đến vàng tại các ngân hàng và có biện pháp kiểm soát, buộc các ngân hàng mua vàng bù đắp trạng thái để mau chấm dứt hẳn hoạt động này.

Để đánh thức nguồn vàng trong dân


Đề án huy động vàng trong dân, theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, cũng có những vướng mắc cần giải quyết. Để huy động lượng vàng trong dân, ước tính lên đến 300-400 tấn, thì câu hỏi đầu tiên là huy động để làm gì. Nếu ngân hàng huy động vàng của dân, chuyển thành tiền rồi cho vay, sau đó mua lại trả cho dân thì ai sẽ bảo hiểm rủi ro về giá, trong khi giá vàng biến động khó lường. Mặt khác, nếu không thu vàng về kịp trả cho dân thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, vì vậy phải thật cân nhắc.

“Thay vì làm như vậy, khi ngưng các nghiệp vụ huy động và cho vay vàng thì các ngân hàng chỉ nên giữ vàng cho dân và người dân sẽ phải trả phí giữ hộ cho ngân hàng. Nếu gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi hơn gửi vàng cho ngân hàng giữ hộ, người dân sẽ bán vàng ra gửi tiền đồng, và do đó lượng vàng trong dân sẽ được sử dụng có lợi hơn”, ông Chí nói.

(Theo KTSG)