- Nhiều phụ huynh cho rằng bộ đồng phục của Trường Tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) là không hợp lý về mẫu mã cũng như giá cả, nên bỏ vì...
Bộ đồng phục của Trường Tiểu học Văn Bình. Ảnh: Giáo dục |
Mặc mùa đông thì lạnh, hè thì nóng
Nhiều độc giả cho rằng chưa nói đến chuyện giá cả, mẫu mã của bộ đồng phục Trường Tiểu học Văn Bình đã thấy không thích hợp: mặc mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng.
“Trẻ con rất hiếu động, ăn mặc thế chỉ ba bữa là toàn trường sẽ như một đống giẻ rách màu bùn. Trẻ con bây giờ nếu có điều kiện cũng chỉ nên mặc vào dịp lễ tết hội hè mà thôi. Trông chúng cứng quèo và mát hết nét thơ ngây của trẻ” – bạn đọc Hương Giang nhận xét.
Đồng tình với ý kiến này, anh Tấn Việt nói: “Chỉ có thể nói là bộ vest không phù hợp với tính hiếu động của học sinh. Đó là chưa kể đến những hệ lụy như giặt, là, đeo khăn quàng (có lẽ là thắt nơ thay khăn quàng) và chi phí thì không đúng với ý nghĩa nghĩa của "đồng phục" tí nào!”
Nói về chuyện giá cả, anh Nguyễn Cường cho rằng phần lớn gia đình ở nông thôn còn thiếu thốn, khó khăn, còn nhiều nhu cầu quan trọng cần phải đáp ứng hơn là bộ đồng phục đi học, trong khi một bộ phận gia đình có điều kiện hơn lại bắt toàn bộ các gia đình phải theo là không hợp lý.
"Hơn nữa, những mẫu đồng phục như thế chỉ phù hợp với những trường tư, gia đình học sinh có điều kiện kinh tế. Ở thành phố mà đồng phục của học sinh cũng chỉ là loại bình thường đâu dám mặc những bộ như thế nữa là trường làng, trường xã” - anh Cường so sánh.
“Chúng ta gọi trường học là trường phổ thông, thì không thể áp dụng may đồng phục theo kiểu không phù hợp với thu nhập của đại đa số như vậy được” – chị Hà Trang nêu quan điểm.
Quy định bất nhất?
Trước câu trả lời của Hiệu trưởng Trường Văn Bình, nói rằng: “chấp nhận cho phụ huynh lấy một sản phẩm vẫn được”, nhiều độc giả cho rằng “nếu như vậy thì không còn gọi là đồng phục được nữa”. Vả lại, những phụ huynh không có điều kiện mua đủ cho con sẽ cảm thấy không yên tâm, các cháu cũng cảm thấy mặc cảm với bạn bè.
Một số ý kiến cho rằng việc năm nào cũng may mới đồng phục là lãng phí, không cần thiết. “Cháu tui học cấp 3 ngay ở Q.1, TP HCM, mà đồng phục mặc suốt 3 năm thoải mái. Trường lớn nhưng chẳng thay đổi kiểu cọ nên cha mẹ chẳng tốn tiền mua nếu các cháu vẫn mặc vừa” – một phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ.
“Trường thành phố còn không bắt học sinh phải mua đồng phục hàng năm, năm sau vẫn có thể mặc đồng phục của năm trước. Vậy mà trường ở nông thôn bắt học sinh may đồng phục mới mỗi năm. Để làm gì?” – độc giả Phù Dung đặt câu hỏi.
Một số ý kiến đặt vấn đề “liệu trường có được lợi gì từ bộ đồng phục của các em?”
“Ở TP.HCM tôi có thể mua một bộ veston người lớn và đẹp hẳn hoi chỉ với giá 650.000 đồng thời điểm hiện tại 20/08/2013. Đặt may hàng loạt mà giá như vậy cho bộ đồng phục học sinh thì chắc chắn có vấn đề, chưa nói đến việc nó có cần thiết hay không. Chuyện này quá nực cười cho cái gọi là BĐD CMHS. Điều hài hước là trên cả nước các vị làm trong BĐD CMHS đều là những phụ huynh khá giả nếu không muốn nói là đứng đầu về mặt kinh tế trong tập thể CMHS và ý kiến các vị đưa ra thông thường nhà trường nhất trí rất cao” – độc giả Phùng Quang Huy thẳng thắn đưa ý kiến.
Đồng quan điểm, độc giả tên Minh cho rằng “Đừng cố tìm xem “từ mắt xích nào..” mà phụ huynh phản kháng mạnh mẽ như vậy, mà hãy xem lại cách làm của nhà trường (của hiệu trưởng) thì sẽ biết vì sao phụ phản ứng dữ dội như thế!”
Để trường học không là sàn diễn, bỏ đồng phục?
Câu chuyện đồng phục không chỉ gây bức xúc cho nhiều phụ huynh về chuyện giá cả, mà còn làm dấy lên vấn đề “liệu đồng phục giá vài trăm nghìn đến tiền triệu có cần thiết hay không trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay?”
Một phụ huynh ở Huế cũng chia sẻ nhiều băn khoăn trước việc nhà trường quy định quá nhiều đồng phục cho con em mình: “Ở Huế tui, trường Quốc Học cũng làm sang chơi 1 bộ veste cho nam (kèm 1 ghi-lê) , nữ thì ngoài áo vét còn thêm một váy ngắn nữa. Đã thế lại còn một áo khoác mùa đông, 1 áo đoàn, 1 áo dài, 1 áo thể dục, 1 áo sơ mi . Phụ huynh ngán ngẩm mà không dám nói. Học sinh đi học mà như đi biểu diễn thời trang, mỗi ngày một loại áo quần. Chẳng biết đường nào mà lần. Mang danh học sinh trường chuyên nên ăn mặc cũng phải chuyên chắc? Chẳng lẽ ăn mặc đơn giản và nghiêm túc thì làm mất danh trường chuyên sao?”
Nhiều độc giả đề xuất “nên bỏ đồng phục cho học sinh”, thay vào đó dùng tiền để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. “Hãy chú tâm vào chuyên ngành dạy học cho học sinh là chính trong thời buổi kinh tế khó khăn. Đồng ý là trang phục học sinh phải nề nếp chỉnh tề, nhưng không nên đòi hỏi hình thức quá khắt khe như một trường ở nông thôn hiện nay” – ý kiến của anh Lê Chí.
“Tốt nhất là dừng ngay việc may đồng phục của trường này lại vì không phù hợp tý nào cả về mẫu má lẫn giá cả. Những vùng nông thôn, vùng sâu xa còn nghèo, rất cần tiết kiệm. Quan trọng nhất là môi trường học thân thiện, tích cực chứ không phải ở các bộ quần áo hào nhoáng bề ngoài. Cần xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng và các thành viên có liên quan trong vụ việc này một cách rõ ràng” – một độc giả nhận xét.
Phân tích vấn đề, anh Lưu Quang Đức cho rằng nên bãi bỏ quy định mặc đồng phục theo đơn đặt hàng. Vì chuyện này rất dễ bị lợi dụng cho những việc tiền nong đi đêm ngấm ngầm quanh việc chỉ định trúng thầu. Chỉ nên quy định khuyến khích các em tự may và mặc theo một kiểu dáng màu sắc thống nhất, sau khi đã tham khảo cả phụ huynh và học sinh một cách thật thoải mái mà không ẩn dưới bất kỳ chiêu thức mượn danh nào.
Câu chuyện đồng phục đã và đang tiến dần đến chỗ: Biến sân trường thành nơi trình diễn thời trang cưỡng bức có tính toán vụ lợi, dưới rất nhiều chiêu thức mượn danh tinh quái.. ., điều đó chỉ góp phần làm hỏng, làm tha hóa bại hoại giáo dục”.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)