- Thông tin từ ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế của doanh nghiệp hiện là 75.230 tỷ đồng, giảm được 770 tỷ đồng so với tháng 4. Thế nhưng, số nợ thuế không có khả năng thu lại tăng lên.
Bức tranh về tình hình nợ đọng thuế trên cả nước vừa được ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, chiều 2/7.
Theo thông tin của ông Trí, so với dữ liệu được công bố đến 30/4 thì tính đến 31/5, tình hình về nợ đọng thuế đã có chuyển biến.
Với con số 75.230 tỷ đồng hiện nay, tổng số nợ thuế trên cả nước tăng thêm so với thời điểm 31/12/2015 là 1.335 tỷ đồng, tăng thêm 1,8%, giảm được 770 tỷ đồng, giảm 1% so với thời điểm công bố 30/4.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế |
Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đã vượt 34.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trong gần 46% tổng số tiền nợ thuế. Số nợ này giảm được 1.623 tỷ đồng, giảm 4,5% so với 31/12/2014 và giảm được 2.176 tỷ đồng, giảm 5,9% so với tháng 4.
Trong đó, các khoản thuế phí nợ quá thời hạn trên là 22.797 tỷ đồng, các khoản nợ liên quan đến đất đai là 11.456 tỷ đồng.
Cũng trong tổng số hơn 75.000 tỷ đồng trên, ông Trí cho biết, có tới 25.122 tỷ đồng là tiền phạt và chậm nộp. Khoản tiền phạt này chiếm tới 33,4% tổng số nợ thuế, tăng thêm 2.213 tỷ đồng, tức tăng 9,7% so với năm 2015 và tăng 1.201 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 5% so với tháng 4.
Đáng chú ý nhất là số thuế nợ không có khả năng thu lại gia tăng.
Ông Trí cho biết, con số này là 15.555 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,7% tổng số tiền thuế nợ. So với thời điểm 31/12/2015, con số này đã tăng thêm 745 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 5%. So với thời điểm 1 tháng trước đó, số tiền thuế nợ không có khả năng thu tăng 205 tỷ đồng, tức tăng 1,3%.
Trong số này, tiền chậm nộp không có khả năng thu là 5.736 tỷ đồng, tăng thêm 1.451 tỷ đồng, tức 33,9% so với 31/12/2015 và tăng 165 tỷ đồng, tức tăng 0,9% so với 30/4.
Trước tình hình này, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức đôn thúc, chống thất thu, nợ đọng thuế gắt gao ngay từ đầu năm. Cho đến nay, 63 Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được trên 20.000 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, trong đó gần 3.500 tỷ đồng được thu bằng biện pháp cưỡng chế. Nhiều địa phương đạt kết quả thu nợ khá như Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80,1%, Sóc Trăng 70,3%, Bạc Liêu 68,1%, Hải Dương 61,1%, Lai Châu 88,4%, Hậu Giang 93,8% chỉ tiêu thu nợ. Riêng Tp Hồ Chí Minh đã thu được 5.095 tỷ đồng, đạt 40,7% và Hà Nội thu được 6.305 tỷ đồng, đạt 30% chỉ tiêu thu nợ.
Lý giải về các nguyên nhân làm tăng nợ thuế, ông Nguyễn Đại Trí nói, tình hình cơ bản vẫn tương tự như các năm trước. Đầu tiên là do việc xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận các doanh nghiệp vẫn còn chây ỳ nộp thuế. Trong khi đó, việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn như các doanh nghiệp này không cung cấp tài khoản gân hàng để cơ quan thuế kiểm soát dòng thu nhập.
Theo ông Trí, nhiều doanh nghiệp có tới 3- 4 tài khoản ngân hàng nhưng họ chỉ cung cấp cho cơ quan thuế 1 tài khoản nên rất khó để kiểm soát được triệt để nguồn thu nhập.
Tuy vậy, trong quá trình thu hồi nợ này, ngành thuế vẫn phải rất cân nhắc khi thực hiện các biện pháp đến cùng là cưỡng chế, đình chỉ hoá đơn. Một số trường hợp, cơ quan thuế vẫn phải cho phép doanh nghiệp sử dụng hoá đơn lẻ vì nếu siết chặt quá, doanh nghiệp ngừng kinh doanh, không còn đường sống.
"Cơ quan thuế sẽ phối hơp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, toà án... để lập các tổ công tác liên ngành thu hồi nợ thuế. Ngược lại, các cơ quan thuế cũng sẽ tham mưu cho cấp uỷ địa phương có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu", ông Trí cho biết.
Phạm Huyền
Tin liên quan: