Những bước tiến nổi bật trong năm qua của ngành công nghiệp hỗ trợ là nhờ sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức nước ngoài cùng nhau đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm.

{keywords}
Cần phải có sự đầu tư lớn để doanh nghiệp mạnh dạn, thấy cuộc chơi này là của họ.

Chính sách phải thật sự tốt thì doanh nghiệp mới tham gia, muốn tham gia

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, bà Trương Thị Chí Bình chia sẻ với phóng viên Báo VietnamNet: Phải nói trong năm qua doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhận được nhiều quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, Chính Phủ, Cục công nghiệp.

Có rất nhiều chương trình, doanh nghiệp tham gia và họ đánh giá rất cao sự nổ lực của Chính phủ để hỗ trợ lĩnh vực này. Mọi người đã biết, trước đây công nghiệp hỗ trợ chẳng được quan tâm gì cả và doanh nghiệp phải tự thân vận động. Trước đây các chương trình , dự án nước ngoài đã hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất tốt bây giờ vẫn thế nhưng đây là lần đầu tiên được chính phủ quan tâm như thế. Doanh nghiệp rất cảm kích.

Sự thay đổi phải từ từ, ngành công nghiệp hỗ trợ là một ngành rất khó, ngành công nghiệp chế tạo không thể nhìn thấy ngay được, tôi hy vọng năm 2020 sự thay đổi, khởi sắc sẽ còn rõ hơn.

Chia sẻ về những cảm nhận về sự hấp thụ của các doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi trong thời gian vừa qua, bà Trương Thị Chí Bình cho biết, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ thường là các doanh nghiệp nhỏ họ chỉ tập trung và sản xuất nên những chính sách đó họ thiếu tiếp cận, thiếu thông tin. Chính sách đó phải thật sự tốt thì họ mới tham gia, muốn tham gia.

Về việc vì sao doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vẫn manh mún, bà Bình trải lòng, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ mới thành lập được 3 năm, đã rất cố gắng tổ chức, hỗ trợ như giúp họ làm hồ sơ xác nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Và chúng tôi làm việc này rất nhiều lần nhưng có rất ít doanh nghiệp tham gia. Năm vừa rồi có tăng lên nhiều nhưng số lượng doanh nghiệp được xác nhận vẫn rất ít. Chính vì thế nên doanh nghiệp không muốn tham gia. Vì quy định của chúng ta không phù hợp với thực tiễn. “Cần phải thay đổi về luật thì mới có thế thay đổi được”, bà Bình khẳng định.

Tiếp nối câu chuyện chính sách cho công nghiệp hỗ trợ đôi chỗ vẫn còn nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp chưa nhiệt tình, bà Bình minh họa bằng hình ảnh “Lý thuyết thì màu xám nhưng cây đời vẫn xanh tươi”. Cụ thể, “Nghị định 111 ban hành năm  2015 nhưng doanh nghiệp vẫn sản xuất mấy chục năm nay đang sống vui vẻ ngoài kia. Họ làm không phải vì tiền họ làm vì đam mê”.

“Mỗi năm Hiệp hội tìm được 1 doanh nghiệp mới là mừng lắm rồi”

Đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nên bà Bình thấu hiểu, doanh nghiệp họ muốn được ưu đãi, rất muốn được tiếp cận nhưng không có họ vẫn phải làm. Họ vẫn như thế bao năm nay rồi. Cạnh tranh rất khó càng ngày càng mạnh. Vai trò của Hiệp hội phải hỗ trợ họ tiếp cận với chính sách. Khách quan ghi nhận là chính phủ đã rất cố gắng để doanh nghiệp tiếp cận nhưng thủ tục rất phức tạp. Ví dụ năm rồi hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia và họ cũng được hỗ trợ một phần vốn rất tốt để họ đầu tư máy mới. Và tất nhiên quy trình cực kỳ phức tạp.

“Chúng tôi rất mừng vì có doanh nghiệp đã thành công. Vì thực sự họ có đổi mới thì họ xứng đáng được nhận”, bà Bình chia sẻ.

Ngoài hỗ trợ tiền thì những hỗ trợ mềm những năm qua vẫn làm rất tốt.  Hai năm rồi doanh nghiệp được hưởng rất nhiều từ hỗ trợ mềm ví dụ làm thế nào để có thể đáp ứng những chuỗi giá trị toàn cầu hay tham gia những hội chợ để tìm kiếm khách hàng. Doanh nghiệp thực tế rất cần những hỗ trợ đó.

“Hỗ trợ mềm rất quan trọng. Và doanh nghiệp rất kỳ vọng vì họ rất thiếu thông tin, họ thiếu những kỹ năng mà chính họ cũng không biết. Khi chúng tôi đưa doanh nghiệp đi thực tế để tìm khách hàng là một việc còn để xem những đối thủ ở nước ngoài họ đang làm gì, thế giới đang làm công nghệ gì mình cần học gì”, bà Bình phân tích..

Bà Bình trải lòng, “mỗi một năm hiệp hội tìm được 1 doanh nghiệp mới là mừng lắm rồi. rất ít. Vì ngành này rất khó và lợi nhuận rất thấp. Cho nên ưu đãi là một chuyện, hỗ trợ là một chuyện khác. Doanh nghiệp trông đợi cả 2 điều đó”.

Nhụy Hà