Gần nửa thế kỷ qua, ngành Dầu khí Việt Nam từ những bước đi chập chững ban đầu, nay đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, giữ vai trò trụ cột của đất nước.

Với tinh thần “Phát huy truyền thống Anh hùng, đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và với phương châm “Đồng tâm hiệp lực, hiện đại hội nhập, tăng tốc phát triển”, trong những năm gần đây, ngành Dầu khí luôn thể hiện tính sáng tạo, tính tiên phong trên nhiều lĩnh vực, không chỉ xứng đáng là đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước mà còn là một tấm gương sáng, hết lòng vì an sinh xã hội, vì chủ quyền an ninh biên giới…


Bài 1: Chương trình an sinh xã hội

Nếu như trước đây, nhiều người nghĩ về ngành Dầu khí đơn giản chỉ là ngành khai thác tài nguyên, chuyên hút dầu đưa đi xuất khẩu, thì ngày nay suy nghĩ ấy đã trở nên vô cùng lạc hậu. Ngành Dầu khí hiện đang gánh vác một sứ mệnh vô cùng to lớn. Không chỉ là trụ cột, là đầu tàu của nền kinh tế, là hình mẫu cho các doanh nghiệp nhà nước noi theo, ngành Dầu khí còn đảm nhận vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực đảm bảo các chương trình an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an sinh xã hội trên địa bàn toàn quốc.

Ngoài nhiệm vụ khai thác, xuất khẩu dầu mỏ, ngành Dầu khí hiện nay đang nỗ lực thực hiện hiệu quả việc chuyển hóa, biến các tài nguyên khai thác được thành sản phẩm xăng dầu, thành khí đốt, thành điện, thành phân bón… để phục vụ nền kinh tế nước nhà, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân…




Thực tế cho thấy, là một ngành kinh tế chủ lực của đất nước, Tập đoàn Dầu khí luôn thể hiện tính tiên phong của mình trên nhiều lĩnh vực. Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện trên địa bàn cả nước, Tập đoàn đã tiên phong triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, chủ động đề xuất với Chính phủ thực hiện nhiều dự án ở vùng sâu, vùng xa và ở các địa phương có điều kiện  kinh tế - xã hội còn nghèo nàn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương cùng phát triển.

Với sứ mệnh của mình và trải theo chiều dài đất nước, giờ đây dường như ở bất cứ tỉnh thành nào cũng đều có sự hiện diện của ngành Dầu khí thông qua những công trình dự án, mà những công trình dự án ấy không chỉ có ý nghĩa lớn lao về kinh tế mà còn mang đậm ý nghĩa nhân văn, mang đậm ý nghĩa an sinh xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm (2006 - 2010), Tập đoàn Dầu khí đã ký 58 thoả thuận hợp tác với các địa phương và một số Bộ, ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội trên toàn quốc. Việc thực hiện các chương trình hợp tác này đã mang lại hiệu quả lớn lao, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách của các địa phương trong cả nước và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội cùng phát triển, giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương.


Đặc biệt, để xứng đáng là công cụ điều tiết kinh tế vĩ của Nhà nước, Tập đoàn luôn chủ động và tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm đối phó hiệu quả với những biến động phức tạp của nền kinh tế, giữ ổn định thị trường. Cuối năm 2007, trước tình hình lạm phát tăng cao, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp để kiềm chế lạm phát, Tập đoàn đã triển khai xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để cùng cả nước kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, Tập đoàn đã chỉ đạo người đại diện vốn của tập đoàn tại các đơn vị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và chủ động nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu: xăng, dầu, khí hoá lỏng, phân đạm nhằm đáp ứng ổn định nhu cầu của thị trường trong nước, thực hiện chính sách giảm giá và bán phân Urê theo giá niêm yết thống nhất chung trên toàn quốc, bán LPG Dinh Cố thấp hơn 1,5 - 2% so với giá nhập khẩu, đảm bảo ổn định sản lượng xăng dầu nhập khẩu, tuyệt đối không được tích trữ, đầu cơ… nhờ vậy nên đã  góp phần bình ổn giá các sản phẩm trên thị trường trong nước.

Đến cuối năm 2008, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có diễn biến đảo chiều (từ lạm phát chuyển sang suy giảm/suy thoái), thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tập đoàn cũng đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện ngay chương trình hành động cùng Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn chỉ đạo cho các đơn vị thành viên tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án của Tập đoàn; bám sát và hỗ trợ các đơn vị về vốn để đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án; tổ chức phát động các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí…


Không chỉ dừng lại với vai trò của một ngành kinh tế và không chỉ có những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế, Tập đoàn Dầu khí còn là một ngành kinh tế đi đầu, là tấm gương sáng trong công tác an sinh xã hội, vì chủ quyền, an ninh biên giới của quốc gia. Công tác an sinh xã hội luôn được các cấp ủy, lãnh đạo, công đoàn, đoàn thanh niên trong Tập đoàn cùng các đơn vị thành quan tâm thực hiện thường xuyên và được toàn thể CBCNV tích cực hưởng ứng.

Trong 5 năm (2006 – 2010), Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tỉnh, thành phố và các tổ chức xã hội triển khai công tác an sinh xã hội với tổng số tiền thực hiện gần 1.700 tỷ đồng. Cũng trong 5 năm (2006 -  2010), Tập đoàn đã giải quyết trên 16.500 việc làm cho lao động mới (năm 2010 số lượng lao động của tập đoàn là trên 50.000 người so với thực hiện năm 2005 là 21,5 nghìn người); thu nhập bình quân đầu người năm 2010 (13 triệu đồng/người/tháng) tăng 3,8 lần so với thực hiện của năm 2005 (3,4 triệu đồng/người/tháng); năng suất lao động bình quân tăng 61% so với thực hiện của nhiệm kỳ 2001 - 2005.


Bên cạnh đó, là đơn vị được giao thực hiện nhiều dự án trọng điểm Nhà nước về Dầu khí, có công nghệ hiện đại, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, có yêu cầu đảm bảo an ninh nghiêm ngặt; đặc biệt, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí được tiến hành chủ yếu trên biển, có những hoạt động ở vùng nước sâu, xa bờ liên quan đến chủ quyền, biên giới quốc gia, Tập đoàn Dầu khí luôn nhận thức đầy đủ trách nhiệm thiêng liêng đó, vì vậy Tập đoàn luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…) triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư có liên quan tới công tác an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Trong  năm 2009, Tập đoàn đã đưa tàu địa chấn 2D vào hoạt động và tự điều hành khảo sát trên thềm lục địa Việt Nam góp phần chủ động trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đây là công việc trước đây ta phải thuê các tàu nước ngoài thực hiện. Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam nộp cho Ủy ban thềm lục địa Liên Hiệp quốc, đây chính  là cơ sở quan trọng khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hiện nay, Tập đoàn đã hoàn thiện việc thực hiện dự án xây dựng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng sạch tại quần đảo Trường Sa với số tiền dự kiến gần 450 tỷ đồng, góp phần báo vệ quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc.


Bài tiếp theo: Ngành Dầu khí với chương trình an ninh lương thực

  • Thu Tuyết