dien luc truc ninh.jpg
Ngành điện nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm 2023 có khoảng 11 - 13 cơn ở trên khu vực Biển Đông và 4 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Do vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chỉ thị số 1407/CT-EVN yêu cầu các ban, đơn vị trong EVN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của EVN về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị trong EVN thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn EVN về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, thành lập/kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và ban hành/sửa đổi quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy các cấp. Thành lập/kiện toàn và phân công nhiệm vụ Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phối hợp với chính quyền địa phương trong tuyên truyền bảo vệ tài sản; hỗ trợ đơn vị trong quá trình di chuyển nhân lực, vận chuyển phương tiện, trang thiết bị; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác trong quá trình ứng phó, khắc phục sự cố, thiệt hại do thiên tai.

Rà soát, hoàn thiện, ký kết quy chế, thỏa thuận hoặc biên bản phối hợp giữa các tổng công ty, giữa các đơn vị điện lực, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoặc khu vực để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mời tham gia diễn tập phương án ứng phó thiên tai, ứng cứu thông tin (nếu cần).

Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, vận hành liên tục, ổn định và thông suốt đối với các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tùy theo cấp độ rủi ro, mức độ ảnh hưởng của từng sự kiện thiên tai phải tạm dừng các công việc không cần thiết để tập trung nguồn lực chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Kiểm tra hệ thống thoát nước mặt, khơi thông dòng chảy; che chắn các hạng mục (nếu cần) để không bị ẩm ướt, hư hỏng trước và sau thiên tai, thực hiện khắc phục nếu chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng. Chủ động thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn và có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác.

Đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Động viên, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác này sau mỗi sự kiện thiên tai lớn.

Ở góc độ đơn vị địa phương, ông Thiều Văn Minh, Phó giám đốc Công ty Ðiện lực Cà Mau cho biết, riêng đối với ngành điện trên địa bàn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay các tình huống thiên tai đã gây ra 10 vụ thiệt hại, với khoảng 441 triệu đồng.

Trong đó, chủ yếu là dông, lốc xoáy, sạt lở đất xảy ra ở các huyện Phú Tân, Thới Bình, Ðầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Theo đó, Công ty yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các phòng, ban tiếp tục rà soát, kiểm tra thường xuyên việc triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai của đơn vị...

Ðồng thời, đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Theo ông Minh, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục là nhân tố quan trọng trong triển khai các hoạt động, từ ứng phó cho đến khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.

Do đó, để đảm bảo việc cung cấp điện phục vụ công tác PCTT&TKCN, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật trong quản lý điều hành lưới điện, thời gian qua, Công ty luôn quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc không ngừng nâng cao năng lực, kỹ năng cho nhân viên, đặc biệt là những người phụ trách trực tiếp công tác PCTT&TKCN.

Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, các lớp bồi dưỡng, thì diễn tập PCTT&TKCN theo các tình huống giả định ngoài hiện trường được Công ty tổ chức định kỳ hàng năm. 

Để đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nhu cầu sinh hoạt của người dân, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cùng các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu những tác động do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Theo đó, PC Vĩnh Phúc đã và đang triển khai 44 dự án đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng theo kế hoạch giao. Đặc biệt, trong tháng 9, PC Vĩnh Phúc đã hoàn thành đóng điện TBA 110kV Đồng Sóc. Với việc hoàn thành các dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão.

Về công tác quản lý kỹ thuật vận hành, PC Vĩnh Phúc đã triển khai kiểm tra, sửa chữa, củng cố lưới điện, nhanh chóng xử lý các điểm có nguy cơ sự cố; theo dõi chặt chẽ tình trạng mang tải trên lưới điện, kịp thời xử lý nhanh việc đầy tải, quá tải đường dây và TBA; tăng cường sử dụng các thiết bị hiện đại để kiểm tra hệ thống điện bằng Flycam, máy ảnh siêu zoom, camera nhiệt…. và lập phương án xử lý ngay các tồn tại phát hiện sau kiểm tra.

Đơn vị tăng cường bố trí lực lượng ứng trực, đặc biệt trong các ngày nắng nóng hoặc khi sắp xảy ra mưa bão, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, vật tư, phương tiện, nhanh chóng khôi phục cấp điện lại cho khách hàng khi sự cố xảy ra; thực hiện thí nghiệm định kỳ đảm bảo các thiết bị vận hành an toàn ổn định.

PC Vĩnh Phúc nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; các vi phạm khác về an toàn điện; phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành chặt tỉa những cây trồng, tháo dỡ các biển quảng cáo,… có khả năng gãy, đổ vào đường dây, trạm biến áp.

Với những sự cố xảy ra, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, nỗ lực nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Điển hình như sự cố vào 2h5p ngày 28/8/2023 do mưa bão lớn và sạt lở đất khiến cây thông nhiều năm tuổi gãy đổ vào đường dây 22 kV, làm gãy hai cột điện số 67, 68 đường dây 22 kV lộ 472 TBA 110 kV Tam Đảo, gây mất điện toàn bộ Khu du lịch Tam Đảo.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện trở lại. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan chặt thêm 5 cây thông ở khu vực lân cận có nguy cơ đổ khi mưa bão để tránh xảy ra sự cố tương tự. Đến 23h53 ngày 28/8/2023, việc khắc phục sự cố đã hoàn thành, cấp điện trở lại an toàn ổn định cho toàn bộ Khu du lịch Tam Đảo.  

Cùng với đó, để lưới truyền tải điện trong phạm vi quản lý được vận hành an toàn liên tục, hạn chế tối đa nguy cơ sự cố trong mùa mưa bão 2023, công tác phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão tại Truyền tải điện Phú Yên đã và đang được triển khai đồng bộ và quyết liệt.

Theo ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, ngay từ những ngày đầu năm 2023, lãnh đạo đơn vị  đã tổ chức kiện toàn lực lượng PCTT&TKCN từ cấp đơn vị đến đội truyền tải điện Tuy Hòa, tổ thao tác lưu động Tuy Hòa; Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, điện thoại nội bộ, hệ thống vô tuyến điện máy 5W, 50W từ văn phòng đến đội đường dây, trạm biến áp, trên các đầu xe, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24h kể cả trong tình huống mưa bão.

Để công tác phối hợp ứng phó với thiên tai, lũ lụt tìm kiếm  cứu nạn trong các khu vực giáp ranh với các đơn vị hoạt động điện lực trên địa bàn được nhịp nhàng, ăn khớp, đơn vị đã tổ chức ký kết phối hợp công tác quản lý vận hành, PCTT&TKCN với Công ty Điện lực Phú Yên, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn nhằm đảm bảo hỗ trợ nhau khôi phục lưới điện nhanh nhất khi có bão lũ xảy ra.

Với những các tuyến đường dây 220kV chủ yếu nằm dọc các sườn núi, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều song suối, nước lũ dâng nhanh khi xảy ra mưa lớn, đơn vị đã cho rà soát, kiểm tra kỹ thuật, giải quyết triệt để các tồn tại trên đường dây trước mùa mưa bão. 

Với các cung đoạn vị trí có nền địa chất yếu, độ dốc lớn chênh vênh, sát vực sâu có dòng chảy hướng vào chân cột nhiều nguy cơ sạt lở như đường dây 220kV Tuy Hòa – Quy Nhơn khu vực đèo Cù Mông, đèo Quán Cau; đường dây 220kV Hạ Sông Ba – Tuy Hòa khu Hòa Hội, đơn vị đã triển khai củng cố nền móng, xử lý các chân trụ bằng cách sửa chữa lại các vết nứt, sụt lún trên mặt móng, kè, mương thoát nước tại các chỗ dễ bị xói lở, đặc biệt chú ý đến các vị trí kè, móng, các đoạn tuyến trên đồi cao, các đoạn tuyến nơi địa chất kém ổn định, nơi có dòng nước lũ chảy vào.

Tập trung phát dọn, vét mương thoát nước bị đất, cành cây, cỏ lấp, đào các rãnh thoát nước để dẫn hướng nước mưa, nước lũ sang hướng khác tránh xói lở móng trụ. Bên cạnh đó, Truyền tải điện Phú Yên đã lập phương án tổ chức ứng trực phòng chống thiên tai, xử lý sự cố, sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện cá nhân, vật tư lương thực, thuốc men, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho đội ngũ nhân viên quản lý vận hành trong thời gian tập trung; sẵn sàng tái lập ca trực với khi tình hình thời tiết diễn biến xấu.

Song song với việc nâng cao năng lực quản lý vận hành, để lưới điện truyền tải được vận hành liên tục, thông suốt, đội ngũ tuyên truyền viên, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp.

Chủ động làm việc với các địa phương, vận động nhân dân chặt hạ các cây cao có thể ngã đổ vào đường dây trong mưa bão. Với các đường dây đi qua khu đông dân cư, các đơn vị hướng dẫn nhân dân kiểm tra, chằng néo dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình, lưới điện truyền tải. 

CBCNV đơn vị quán triệt tư tưởng nâng cao ý thức tận tâm, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành, không chủ quan, buông lỏng, phải luôn sẵn sàng ứng phó nhằm đảm bảo lưới điện truyền tải an toàn liên tục, giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản xuống mức thấp nhất.