Hiện tại, những nỗ lực từ phía nhà nước, cùng tác động từ diễn biến quốc tế đang đưa đến “cơ hội vàng” để chúng ta trở lại làm chủ sân nhà.
Giá đường đạt mức cao kỷ lục trong 12 năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đường giao dịch trên Sở Liên lục địa New York (ICE US) tính đến ngày 30/05 ở mức 559,3 USD/tấn, duy trì ở vùng giá cao sau 12 năm. Đặc biệt, giá có sự nhảy vọt với mức tăng 34% so với thời điểm đầu năm, trong bối cảnh nguồn cung suy yếu tại các quốc gia sản xuất hàng đầu.
Tính tới hết tháng 05/2023, Ấn Độ, quốc gia cung ứng đường lớn thứ 2 thế giới chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước, thông tin từ Chính phủ nước này.
Trong khi đó, từ ngày 01/03/2023, Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã kết thúc chương trình miễn thuế đối với xăng. Trước đó, vào ngày 02/02/2023 quốc gia này cũng chấm dứt việc miễn thuế nhập khẩu đối với Ethanol. Brazil là quốc gia sản xuất Ethanol lớn thứ 2 thế giới nhưng vẫn cần nhập khẩu để đảm bảo lượng tiêu thụ trong nước. Do đó, việc quay lại đánh thuế đối với xăng và Ethanol khiến tỷ trọng mía dành cho sản xuất nhiên liệu sinh học tăng lên, gián tiếp khiến sản lượng đường thu hẹp. Quyết sách trên đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu.
Theo ông Phạm Quang Anh, giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng Hóa Việt Nam: “Giá đường dự kiến sẽ duy trì mức cao trong khoảng thời gian tới khi thông tin chủ đạo trên thị trường đang xoay quanh những lo ngại về nguồn cung ở mức thấp. Đây là cơ hội tốt để ngành mía đường Việt Nam nói chung và doanh nghiệp mía đường nội địa nói riêng lấy lại vị thế trong nước.”
Thị trường nội địa vẫn là mảnh đất tiềm năng
Dù không phải quốc gia nhập khẩu đường thuộc top đầu thế giới nhưng nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam đang tăng dần trong những năm gần đây, theo đà của quy mô dân số.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), tốc độ gia tăng dân số của nước ta trong giai đoạn 2010 – 2020 luôn duy trì trong khoảng 1,05% – 1,17%/năm. Thêm vào đó, cơ quan này dự báo quy mô dân số nước ta sẽ cán mốc 100 triệu dân vào trung tuần tháng thứ Tư năm 2023, tạo điều kiện để nhu cầu về đường tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, hoạt động kích cầu du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid – 19, kéo theo dịch vụ, nhà hàng ăn uống sôi động trở lại, tạo ra không gian rộng lớn để nhu cầu tiêu thụ đường được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, đi kèm với nhu cầu đường gia tăng trong những năm gần đây, chúng ta lại tăng cường nhập khẩu thay vì đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước. Ở thời điểm hiện tại, chi phí nhập khẩu đường tăng theo sự đi lên của giá đường giao dịch trên Sở ICE. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa trở lại làm chủ thị trường.
Tại Việt Nam, sự tăng “nóng” của giá đường ở thời điểm hiện tại, giúp nhiều doanh nghiệp trong nước nếm vị “ngọt”. Trong đó, phải kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp có tiếng như Đường Kon Tum với số lãi ròng thu về hơn 12 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, hay Mía đường Sơn La với lãi ròng quý 3 đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng 90% và cũng là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp này. Lợi nhuận cao cũng chính là một trong những tiền đề để các doanh nghiệp quay lại phát triển thị trường trong nước.
Đòn bẩy từ những nỗ lực của Nhà nước
Để bảo vệ ngành công nghiệp mía đường nước nhà, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với các sản phẩm này là 47,64%.
Vào ngày 1/8/2022, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Sau những nỗ lực của Nhà nước, giá đường nhập lậu vào Việt Nam cao hơn giá nội địa khoảng 15%, làm giảm bớt tính cạnh tranh, từ đó thúc đẩy người dân trở lại với ngành mía đường. Theo dự báo từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng đường trong niên vụ 2022/23 ước đạt 870.930 tấn, tăng 16,6% so với niên vụ trước và cao hơn 7% so với mức 820.000 tấn do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính cho niên vụ 2021/22. Như vậy, đây sẽ là niên vụ ghi nhận mức sản lượng cao thứ 2 trong 5 niên vụ gần nhất.
“Sự dung hòa của các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đang là bối cảnh lý tưởng để phục hồi ngành mía đường Việt Nam, hướng tới việc làm chủ thị trường nội địa. Điều này cũng giúp Việt Nam phòng tránh những tác động khó lường từ diễn biến trên thế giới. Việc cần làm còn lại chính là sự chủ động nắm bắt cơ hội từ phía doanh nghiệp và người dân”, ông Quang Anh nhận định.
Thật vậy, thương mại quốc tế là điều tất yếu trong quá trình hội nhập nhưng việc làm chủ được thị trường nội cũng là điều cần thiết để chúng ta kiểm soát được tình hình cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất đã có sẵn trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững.