Từ đầu năm đến nay, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) An Giang tiếp tục triển khai, thực hiện cải cách hành chính (CCHC), hoàn thành tốt các nội dung của lĩnh vực “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”, ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Hạ tầng số đã được triển khai đồng bộ, tỷ lệ Internet cáp quang, di động được nâng cao, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN).

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh An Giang.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Lê Quốc Cường, triển khai Đề án "An Giang điện tử", đơn vị đã tham mưu triển khai các nhiệm vụ phát triển, hoàn thiện các nền tảng phục vụ triển khai chính quyền điện tử, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường CCHC và nâng cao mức độ hài lòng của công dân, DN đối với chính quyền tỉnh. Phối hợp Trung tâm công nghệ số quốc gia xây dựng đề cương và dự toán Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 3.0”; đề nghị hỗ trợ xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh An Giang.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số. Hiện, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân. 100% các khu công nghiệp, DN, trường học, bệnh viện có kết nối internet phục vụ công tác quản lý, điều hành.

100% cơ quan Nhà nước có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Phổ cập điện thoại thông minh (smartphone): Gần 2,5 triệu thuê bao điện thoại di động; 439.758 thuê bao băng rộng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone 66,2%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định 78,91%.

Đã nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06 (phiên bản 1.0). Kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với phần mềm, hệ thống nội bộ tỉnh. Đã hoàn thành tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện TTHC về đất đai cho DN trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo Sở TT&TT, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh An Giang bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức. Tỷ lệ hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước được xác định và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ là 39/39, đạt 100%.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ số trong nội bộ của sở, ngành, địa phương và thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban ngành với các địa phương. Đồng thời, liên thông gửi nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.

Liên thông gửi nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh (đảm bảo kết nối 100% sở, ban, ngành và tương đương, UBND các cấp), góp phần triển khai thành công chính quyền điện tử tỉnh và tích hợp chữ ký số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%.

Đặc biệt, tỉnh triển khai trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Từ tháng 8/2021, Sở TT&TT An Giang đã triển khai hệ thống trả lời tự động (Chatbot) cho người dân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC, nhằm giải đáp thắc mắc của người dân.

Triển khai chương trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC; số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương. 

Đến nay, tỉnh đã triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC trước đó đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND các địa phương.

Tỉnh có 8/11 huyện, thị xã, thành phố có triển khai thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Các hệ thống này kết nối được một số hệ thống thông tin, dữ liệu khác nhau (kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế…) tại địa phương. Cùng với đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh An Giang được xây dựng tập trung, thống nhất tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn.

Sở TT&TT An Giang tiếp tục duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực lĩnh vực “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”; triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, hẹn giờ giải quyết TTHC theo yêu cầu.

Nâng cao bộ chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận khi giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử và thanh toán hồ sơ trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng lại thông tin dữ liệu được số hóa. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo HẠNH CHÂU (Báo An Giang)