Đóng cửa phiên giao dịch 31/12/2019, chỉ số VN-Index giảm 4,04 điểm (tương đương giảm 0,42%) xuống 960,99 điểm. HNX-Index trong khi đó tăng 0,35 điểm lên 102,51 điểm.
Đây là một phiên giao dịch khá buồn tẻ với giá trị giao dịch trên 3 sàn chỉ đạt khoảng 3,4 ngàn tỷ đồng. Áp lực bán vẫn khá mạnh ở hầu hết các cổ phiếu chủ chốt, trong đó có nhóm cổ phiếu họ nhà Vin của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực giảm cho dù nhóm này đón khá nhiều tín hiệu tốt vào cuối năm, từ nợ xấu giảm, lợi nhuận ở mức cao và triển vọng doanh thu từ các dịch vụ mới.
Các cổ phiếu blue-chips như PVGAS, Sabeco, Bảo Việt... đều giảm khá mạnh. Faros (ROS) tiếp tục giảm sàn.
Trong các cổ phiếu trụ cột, chỉ có vài mã ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên cuối năm như Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh; VietJet (VJC) và HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn...
Mặc dù giảm trong phiên cuối năm, nhưng trong cả 2019 chỉ số VN-Index vẫn tăng 7,7%. HNX-Index giảm 1,65% so với cuối 2018.
Biến động chỉ số chứng khoán VN-Index trong năm 2019. |
Mức tăng này khá thấp so với mức tăng gần 29% của chỉ số tầm rộng S&P 500 của Mỹ, mức 19% của Nhật Bản, 19% của Trung Quốc, 15% của Ấn Độ. Nó cũng thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng về một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% thuộc top đầu thế giới.
Dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn được cho là thành công nhờ những dấu mốc quan trọng về chính sách và sản phẩm mới, tạo nền tảng cho những bước phát triển vững chắc trogn dài hạn. Trong năm 2019, TTCK chứng kiến sự ra mắt của chứng quyền có đảm bảo, các bộ chỉ số mới... và quan trognj hơn là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được quốc hội thông qua vào cuối tháng 11.
Triển vọng sáng sủa
Trong năm 2020, nhiều dự báo khá thận trọng nhưng nhìn chung thị trường vẫn được đánh giá khả quan giống như triển vọng chung của nền kinh tế cũng như những sản phẩm, dịch mới trên sàn chứng khoán.
Theo CTCK Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index sẽ có đỉnh cao hơn khoảng 5-10% so với đỉnh 2019 cho dù các cổ phiếu trên sàn sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.
TTCK vẫn xu hướng đi lên, theo VCBS, là nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định. Các yếu tố lạm phát, tỷ giá... được dự báo sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong năm 2020. Áp lực lãi suất là yếu tố đáng chú ý trong năm tới nhưng dự báo sẽ không mạnh như trong 2019.
Tỷ phú Việt chứng kiến một năm đầy biến động trên TTCK. |
Các yếu tố ảnh hưởng tới TTCK cũng như nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, theo VCBS vẫn là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận, trong đó có thương mại và đầu tư.
Với những đặc thù về hạ tầng và nguồn nhân lực, theo VCBS, nhiều lĩnh vực nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, trong đó có logistics, bất động sản công nghiệp...
Còn theo VDSC, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi về mức hai chữ số, sau năm 2019 gần như đi ngang. Về vĩ mô, điểm sáng vẫn chính là sự kiên trì của Chính phủ trong việc thực hiện các quyết sách nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển.
Về chính sách tiền tệ, theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức như vài năm gần đây, sẽ khoảng 13% trong năm 2020. Mức tăng này thấp hơn so với nhiều năm trước đó nhưng ở phù hợp với nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giữ mặt bằng lãi suất, tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định trong năm 2019 vừa qua.
Trong năm 2020, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Điều đó có nghĩa tiền vào bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Dù vậy, dòng vốn vào chứng khoán trong thời gian gần đây rất đa dạng, từ các quỹ trong và ngoài nước. Trong năm tới, theo VSD, sẽ có thêm quỹ hưu trí, mang đến dòng vốn dài hạn và ổn định cho thị trường.
M. Hà