Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2020, chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm lên gần 1.104 điểm. Tính chung trong cả năm, chỉ số này đã tăng gần 15% và nếu tính từ đáy hồi cuối tháng 3 thì mức tăng là trên 68%.
Đây là một diễn biến tích cực, là một điểm tốt lành cho một năm mới 2021 và thập kỷ 2021-2030 sắp tới.
Sàn chứng khoán Hà Nội thậm chí còn tăng bùng nổ hơn ở vào thời điểm trước khi sáp nhập với sàn TP.Hồ Chí Minh. Chỉ số HNX-Index tăng 3,14% trong phiên cuối năm và lần đầu tiên lên trên ngưỡng 200 điểm. Tính từ đáy, chỉ số này tăng khoảng 110%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với kết quả 2020 dự kiến sẽ tích cực. Nhóm công ty chứng khoán chắc chắn sẽ ghi nhận doanh thu tăng vọt khi mà thanh khoản trên thị trường tăng mạnh trong vài tháng cuối năm.
Chứng khoán tăng mạnh trong 2020. |
Thực tế, trong năm, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy vậy, với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng trên thế giới.
Với cú bứt phá ngoạn mục, vốn hóa của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã lên tới gần 5,3 triệu tỷ đồng (tương đương 225 tỷ USD), tương đương 83% GDP. So với đáy, quy mô vốn hóa đã tăng thêm hơn 90 tỷ USD.
Tính tới cuối năm, quy mô vốn hóa trên HOSE là 4,09 triệu tỷ đồng (176 tỷ USD). Vốn hóa trên HNX là 251,1 nghìn tỷ đồng và trên Upcom là 1.013 nghìn tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận gần 40 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có Vietcombank (gần 16 tỷ USD), Vingroup (15 tỷ USD), Vinhomes (12 tỷ USD), Vinamilk (10 tỷ USD)...
Việt Nam có 6 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng (6,8 tỷ USD tính tới hết 31/12), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,5 tỷ USD), ông Trần Bá Dương Thaco (1,5 tỷ USD), ông Trần Đình Long (2 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (1,8 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,5 tỷ USD).
Theo SSI Research, định giá P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) của nhiều ngành đã trở lại mức trước Covid-19. Tuy nhiên, chỉ số này có thể sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm tới, đồng nghĩa với việc chứng khoán sẽ tăng mạnh.
Theo SSI Research, trong kịch bản cơ sở, P/E của thị trường có thể đạt khoảng 18 lần, tương ứng với dự báo VN-Index tăng 12,3%.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (PE) chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 17 lần. Nếu năm sau thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp tăng 10% thì PE rút xuống còn 15,3. Giả sử nếu lấy PE ở mức 17-18 là hệ số định giá phù hợp cho VN-Index thì năm sau, chỉ số này có thể tăng 15%, tức lên khoảng 1.300 điểm.
Điều này cũng không phải quá khó khăn khi hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Mỹ, liên tục lập đỉnh cao mới, trong khi Việt Nam chưa qua được đỉnh cũ cho dù Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hơn từ đại dịch Covid.
Trong tuần cuối 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, Vietnam Exchange với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ 2 sở HNX và HoSE. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.
M. Hà