- Ghi nhận của PV một ngày  trước thời điểm 15/10 khi tất cả các trường trên cả nước tiến hành việc không chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét cho học sinh.

Chưa hết lo và mệt

Dù đã được tập huấn và qua không ít các cuộc họp ở tổ bộ môn nhưng những lo lắng của không ít giáo viên vẫn còn đó.

{keywords}

Thay vì chấm điểm, cô sẽ chấm chữa và cho nhận xét trên bài tập của trò. (Ảnh: Văn Chung).

Một giáo viên khối lớp 5 tại Hà Nội chia sẻ: Ngay khi nhận được Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT triển khai việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét với học sinh tiểu học nhà trường đã quán triệt đến từng giáo viên nghiêm túc thực hiện.

Qua thời gian gần 1 tháng thực hiện cô đã bớt mệt khi thống nhất được cách viết nhận xét sao cho ngắn gọn, súc tích cho học sinh.

Cô cũng ý thức việc không nhất thiết phải chấm toàn bộ các bài cho học sinh. Với các em tốt có thể nhận xét bằng miệng ngay trên lớp. Những em xuất sắc hoặc mắc lỗi giáo viên mới nhận xét cụ thể để học sinh, phụ huynh nắm được.

Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại Hà Nội cho biết: “Trước khi giáo viên, lãnh đạo nhà trường được đi tập huấn mọi người rất lo lắng. Giáo viên phải nghỉ qua trưa tại trường để chấm bài, thống nhất nhận xét như thế nào cho học sinh. Đến nay mọi việc về cơ bản đã được giải quyết. Quan trọng nhất là tư tưởng giáo viên được đả thông. Mọi người cùng cố gắng vì sự tiến bộ của học sinh”.

Tuy nhiên không ít giáo viên khi được hỏi đều thẳng thắn: khối lượng công việc sẽ nhiều hơn gấp vài lần khi thực hiện chủ trương này.

“Một giáo viên tiểu học có 5-6 đầu vở/học sinh. Hôm nay không nhận xét vở ở môn này lại phải chuyển sang môn khác. Việc nhiều không xuể. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải ở lại trường rồi về nhà tiếp tục nhận xét vào vở cho học sinh, ghi sổ giáo viên,…” – một giáo viên lớp 5 khác tại quận Đống Đa, Hà Nội cho hay.

Mở vở chính tả của một số học sinh lớp 5, giáo viên ghi nhận xét khá ngắn gọn như: “Dàn bài đầy đủ; Bài còn sơ sài; 0 lỗi, chữ sạch sẽ; 0 lỗi, nét chữ cần cẩn thận hơn,…”.

Trong vở tiếng Việt cô ghi nhận xét như: “Thiếu câu kết đoạn; Con hiểu bài, chữ cẩn thận; Con làm bài tốt,…” khá ngắn gọn.

Với giáo viên dạy các môn chuyên biệt như âm nhạc, mỹ thuật khối lượng công việc còn nặng hơn. “Trường có 2 giáo viên âm nhạc chia nhau phụ trách hơn 1000 học sinh. Việc không chấm điểm ở môn này chúng tôi đã thực hiện từ lâu. Nhưng thay vì dấu tích (V) để xác nhận con đạt hay chưa đạt nội dung bài học nay giáo viên phải ghi bằng nhận xét. Giáo viên không thể quan tâm, gần gũi tới từng em” – một giáo viên dạy âm nhạc tâm sự.

Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, hiệu phó một trường tiểu học cho biết đến chiều 14/10 trường mới được phòng GD-ĐT huyện tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư mới. “Được biết thay vì điểm số có thể học sinh sẽ được “chấm” bằng điểm A, hoặc A-. Tôi thấy như vậy đâu khác việc cho điểm số” – vị này cho hay. Điều vị hiệu phó lo nhất là nếu không cho điểm học sinh có tạo được tính cạnh tranh khiến trò nỗ lực học tập hơn hay không. 

Bộ GD-ĐT, chuyên gia gỡ rối

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Định khẳng định cách làm mới sẽ có lợi cho học trò. Nhiều em được đánh giá, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Nhận xét thay vì cho điểm thường xuyên cũng yêu cầu người thầy phải đổi mới phương pháp dạy học.

{keywords}
Bộ GD-ĐT khẳng định việc không chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét của giáo viên sẽ có lợi cho học trò tiểu học. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

"Có phần thưởng đúng lúc giúp kích thích làm tốt hơn công việc được giao" - ông Định nói. Nếu cho điểm 10 cũng là phần thưởng kích thích học sinh. Cho bông hoa, bố mẹ cho con cuộc đi chơi du lịch cũng là phần thưởng. Nhưng đó không phải bản chất để khuyến khích năng lực học sinh.

Trước thắc mắc của các giáo viên về việc họ phải nhận xét cho nhiều học sinh, ghi nhiều loại sổ sách khiến họ không còn thời gian lo cho chuyên môn, gia đình, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Sư phạm tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết:

“Giáo viên chỉ cần ghi chép đánh giá học sinh theo tháng, không bắt buộc phải đánh giá theo bài, theo ngày, hay theo tuần. Mỗi tháng một lần, các giáo viên dành thời gian ghi chép những đánh giá của mình cho từng em học sinh vào một cuốn sổ mà Vụ Giáo dục tiểu học đã thiết kế và phát đến tận tay giáo viên. Ngoài ra, học sinh còn phải trải qua một kì kiểm tra chấm điểm nữa. Với hai nguồn trên, giáo viên sẽ ghi đánh giá của mình vào học bạ.

Như vậy, công việc của giáo viên thật sự không quá nhiều”.

Là một người đã từng đứng lớp giảng dạy học sinh tiểu học trong một thời gian, TS Hương cho rằng mỗi giáo viên sẽ có những nhận xét cho học sinh ngay trong lúc đang dạy, giảng bài.

Thông tư 30 đã quy định: Việc ghi chép những đánh giá này là toàn quyền dành cho giáo viên. Như vậy giáo viên có thể ghi bằng bất kể cách nào. Bộ GD-ĐT đã cởi trói cho giáo viên, trao quyền cho họ trong công việc đánh giá.

Để có thể làm tốt công việc này, TS Hương có lời khuyên nhỏ đến giáo viên nên chuẩn bị trước một số lời đánh giá quen thuộc, suy nghĩ cân nhắc thật kỹ càng từng từ, giống như một bảng đánh giá từ thấp đến cao. Số lượng các câu đánh giá tùy thuộc vào từng giáo viên.

Trong khi ghi chép, giáo viên chỉ cần áp dụng theo khuôn mẫu đó của riêng mình và thay đổi chút ít với từng cá tính, đặc điểm của học sinh. Một số trường hợp quá đặc biệt khác mới cần sử dụng câu từ mới. Còn phần lớn, áp dụng theo khuôn mẫu mà chính giáo viên đặt ra.

“Điều quan trọng nhất là làm cách nào để vệc đánh giá này sát với thực tế hiện trạng của học sinh và giúp đỡ các em nhiều nhất trong quá trình học tập. Như vậy, các bạn sẽ không mất thời gian để suy nghĩ cân nhắc câu từ khi ghi đánh giá, giảm thời gian suy nghĩ và ghi chép để dành thời gian đó cho việc dạy dỗ học sinh” – TS Hương nhấn mạnh.

  • Văn Chung