- Sau đúng 3 năm 7 tháng 21 ngày, Đoàn Văn Vươn được đứng trên mảnh đất mà mình cùng người thân mất nhiều mồ hôi công sức để cải tạo, quy hoạch đầm bãi.

Ngày về của anh em Đoàn Văn Vươn

10h sáng ngày 31/8, Đoàn Văn Vươn cùng 490 phạm nhân khác đã được nhận quyết định đặc xá ra tù trước thời hạn do cải tạo, lao động tốt.

Được ra tù trước thời hạn, ngay sau khi nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, ông Đoàn Văn Vươn đã trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi với ông, có quá nhiều biến cố đã xảy ra trong thời gian qua.

Ở khu đất trống trước trụ sở khu nhà Thanh niên Xung phong ngoài Cống Rộc, người thân của ông Vươn đã dựng bạt, kê bàn ghế… để đón Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý về nhà.

“Hơn bao giờ hết, tôi thấy trân trọng cuộc sống của chính mình” – ông Vươn nói khi vừa trở về nhà.

{keywords}
Ông Vươn trong vòng tay người thân

Rất đông người thân, hàng xóm, bạn bè đã có mặt để chia sẻ niềm vui ngày về của ông Vươn, ông Quý. Có cả những gương mặt, những cái tên như ông Hà Văn Luân, Nguyễn Văn Trong… - những chủ đầm nuôi trồng thủy sản mấy năm về trước, “suýt” bị thu hồi đầm bãi.

Thay bộ quần áo mới, ông Vươn bước ra khu đầm bãi mà gần bốn năm ông vắng bóng. Đi cạnh ông là vợ và đứa con trai út.

Con đường bê-tông mấy năm trước hai anh em ông đổ để làm đường dẫn ra đầm bãi, dù cỏ dại có mọc cao lút, vẫn kẻ một đường sáng trắng dưới nắng trời.

“Tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy đầm bãi của mình bây giờ xơ xác đến thế. Ngày trước, dọc những bờ đầm, bờ bãi, tôi trồng chuối, đu đủ… xanh bời bời. Cũng chẳng trách được, khi bao nhiêu việc dồn hết lên vai hai người phụ nữ” – ông Vươn nói.

{keywords}
Đoàn Văn Vươn bên đầm bãi nhà mình

Câu chuyện của ông Vươn: khi xong thủ tục, vợ con đưa ông từ trại giam Hoàng Tiến thẳng về khu Cống Rộc. Ông đã được gặp lại mẹ mình, bà cụ có ốm yếu hơn so với mấy năm về trước, nhưng cũng đầy mừng tủi khi được gặp lại con.

Ông cũng chưa kịp về ngôi nhà trong làng, mà đi thẳng ra cống Rộc.

“Ngày trước, anh em tôi đang san lấp dở khu đất bãi rộng 1.500m2, dự định chăn nuôi gà, vịt bên cạnh nuôi thủy sản, trồng chuối, trồng đu đủ. Đang làm dở thì xảy ra chuyện.

Tới đây, nghỉ ngơi ít ngày, anh em tôi sẽ bắt tay vào cải tạo, quy hoạch lại đầm bãi. Những gì dang dở sẽ được tiếp tục”.

Ông Vươn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà con làng xóm, họ hàng…, những người đã luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ vợ con ông trong thời gian ông thi hành án.

Ông cũng cảm ơn các cơ quan báo chí đã đưa tin về vụ việc của gia đình ông.

“Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu, gia đình tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự vào cuộc, lên tiếng của các cơ quan báo đài. Chúng tôi biết ơn các cơ quan báo chí rất nhiều”.

Nụ cười rạng rỡ, gương mặt bình thản trở lại sau bao nhiêu biến cố đã xảy ra, nó nói lên hết những khát khao của một con người, dám “liều mình” quai đê lấn biển, ở một nơi hoang hóa mà không ai nghĩ, nó sẽ thành những khu đầm bãi rộng ngút ngàn, mang lại miếng cơm, manh áo, mang lại nguồn mưu sinh lâu bền cho gia đình ông.

Nó cũng như một khẳng định, là ông sẽ làm được những gì mà đang dang dở.

Khác với ông, Đoàn Văn Quý, em trai ông là người hiền lành, ít nói. Ông Quý chỉ cười tươi, cười rất nhiều, từ lúc dự lễ trao quyết định đặc xá, đến lúc nhận giấy đặc xá, thay quần áo phạm nhân để mặc quần áo đời thường…

{keywords}
Con đường bê tông dẫn ra đầm bãi nhà Đoàn Văn Vươn

Nhưng, họ giống nhau ở một điểm, đó là vẻ chân chất, bộc trực, dám nghĩ và dám làm…

Siết vai vợ thật chặt, trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi buông ra, ông Vươn nhìn ra ngoài đầm bãi đã sống với mình cả trong hơi thở.

Vợ ông cười như nắc nẻ, khi chồng cứ nhắc mãi về con đường bê-tông, chỉ rộng chừng vài chục cm, nhưng chạy dài mải miết ôm hết khu bờ đầm rộng hàng cây số.

“Con đường này nhà mình làm tốt thật. Anh cứ nghĩ nó sẽ không bền được đến bây giờ…”.

Kiên Trung