- Cũng lại một buổi chiều, cuộc hẹn ở Hà Nội của những cựu binh huyền thoại tàu không số của Đoàn 962 trở thành cuộc hội ngộ đầy cảm xúc ngấm trong gia vị của cái lạnh cuối Đông.

Cuộc hội ngộ đến từ một lời mời đặc biệt của Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cách đây gần 1 tháng ở Cần Thơ, khi ông đến thăm hai người lính của con tàu không số huyền thoại 69 là Năm Phước và Khưu Ngọc Bảy.

Hai cựu binh già mà ông Nguyện Thiện Nhân tôn kính bằng bậc cha ngỏ một ước nguyện, đó là mong một lần được cùng các cựu chiến binh của Đoàn 962, gắn liền với con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, được đi thăm lại các chiến trường xưa ở miền Bắc cũng như được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

{keywords}
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân chào đón các vị khách đặc biệt

Ngày hôm nay ở Hà Nội, họ trở thành khách quý của MTTQ Việt Nam, cuộc hội ngộ không ý nghĩa nào khác ngoài sự tri ân với những con người huyền thoại, từng quyết tử cho Tổ quốc.

Ông Khưu Ngọc Bảy từng "đặt hàng" với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân thành phần đoàn từ 35 đến 40 người. Bữa nay ra Thủ đô, họ tề tựu được 32 người cùng 3 thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh của Đoàn 962.

Nếu như câu chuyện suốt buổi chiều tháng 12 là về những con tàu không số huyền thoại, thì buổi chiều nay, câu chuyện ấy tiếp tục, thêm nối dài, với sự cộng hưởng ký ức của nhiều hơn những con người là nhân chứng sống cho một thời kỳ lịch sử oanh liệt.

Ký ức Đoàn 962 bí ẩn

Ông Khưu Ngọc Bảy, Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Đoàn 962  kể lại câu chuyện về các cụm bến thuộc Đoàn 962 (sau này là Trung đoàn 962) nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập cách đây 54 năm.

Cụm bến đi vào lịch sử không chỉ là nơi đón các chuyến tàu vũ khí từ miền Bắc viện trợ cho miền Nam, mà còn làm nên chiến công đường vận tải trên biển, cập bến chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên tại Vàm Lũng, Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau).

{keywords}

Ông Khưu Ngọc Bảy

4 bến của Đoàn 962, trong gần 10 năm (1962 - 1971), đã đón 124 chuyến tàu không số với  gần 7 nghìn tấn vũ khí đạn dược và 189 cán bộ quân sự, chính trị, những nhà khoa học tài giỏi như Lê Đức Anh, Bùi Phùng, Nguyễn Trọng Xuyên... vào chiến trường miền Nam.

Từ đây, vũ khí được chuyển đi nhiều nơi trên khắp chiến trường, góp phần củng cố và tăng cường khả năng chủ động đi đến thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

"Ngày nay nói về Đoàn 962, người ta thường tự hào nói: Đó là những bến cảng giữa lòng dân - ông Bảy kể.

Với thành tích vẻ vang, họ được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 8 người được phong và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hơn 100 người nhận “Huân chương Chiến công”.

Trung tá Nguyễn Hữu Phước, nguyên thuyền trưởng tàu không số 69, chở vũ khí vào Nam 8 chuyến an toàn, chia sẻ thời đẹp nhất, tự hào nhất cuộc đời chính là được sát cánh với đồng đội trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù để làm nên một huyền thoại Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Những khó khăn của đoàn 962 cũng được ông nhắc lại một thời khi những lúc như ở trong rừng có 100 lu nước. Dù đậy kỹ nhưng vẫn bị heo rừng ủi, phá nên không có nước xài.

"Khi đó thấy thương chị em phụ nữ của 962 lắm, những lúc tắm thì nữ giới được ưu tiên 5 ca nước/ngày, còn anh em chỉ có 2 ca thôi", ông nhớ lại.

Ngày hạnh phúc

Nghe các câu chuyện, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không giấu được những xúc động trước những con người huyền thoại của lịch sử.

{keywords}

Gọi hôm nay là ngày vui, ngày hạnh phúc của MTTQ vì đã làm được một điều nhỏ theo tâm nguyện của các cựu chiến binh, ông bồi hồi bày tỏ:

"Các thế hệ Việt Nam đều ghi nhớ, ngưỡng mộ sự hy sinh, đóng góp, cống hiến của một thế hệ các cán bộ, chiến sĩ, thủy đoàn của những đoàn tàu không số”.

Ngẫm lại lịch sử, Chủ tịch MTTQ VN thấm thía rằng, từ thực tiễn của những chuyến tàu không số, của Đoàn 962, có thể rút ra được những bài học xương máu để làm nên thắng lợi.

Chủ trương của Đảng là đúng đắn nhưng những người đi tàu chưa từng được học, chưa từng có kinh nghiệm vận tải biển, chỉ nhìn sao mà đi nhưng với sự dũng cảm, sáng tạo, chiến đấu, kiên cường, họ đã thành công.

Đó là bài học lấy dân làm gốc, sự che chở, hy sinh của dân khi họ rời cửa sông vào rừng trong để nhường đất lập bến.

“Chiến tranh là xanh cỏ, đỏ ngực - có những người nằm lại nơi chiến trường, có những người trở về dày đặc chiến công nhưng thương tích đầy mình. Biết bao người đã hy sinh cho Tổ quốc. Việc tri ân cần phải làm mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa, bởi rất nhiều trong số đó tuổi đã cao, sức đã yếu, sẽ dần dần ra đi”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hồng Nhì - Ảnh: Hoàng Long