Phương pháp học này kết hợp giữa giảng dạy trên lớp và giảng dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của hệ thống LMS.
TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết trường vừa triển khai đào tạo, tập huấn cho hơn 800 giảng viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm LMS để đảm bảo kế hoạch dạy học nhờ phương pháp giảng dạy, học tập mới Blended learning trong đợt dịch virus corona này.
Theo TS Thủy, phương pháp học kết hợp - Blended learning là sự phối hợp giữa học trên lớp và ở nhà trên nền tảng trực tuyến.
Dựa trên những thành công của chương trình đào tạo E-learning, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho việc triển khai áp dụng phương pháp đào tạo Blended learning toàn trường từ tháng 9/2020 như: cơ sở vật chất (phòng ghi hình, máy chủ, máy trạm, đường truyền...) cùng đội chuyên gia hỗ trợ giảng viên xây dựng các bài giảng trực tuyến.
Phương pháp đào tạo Blended learning là sự thay đổi đáng kể so với phương pháp giảng dạy truyền thống. Môi trường Blended learning có ưu thế giúp sinh viên trở nên năng động và tương tác nhiều hơn (giữa sinh viên với giảng viên, sinh viên, với nội dung môn học và với thực tại khách quan). Ngoài ra, cũng hình thành phương thức tự tổng kết đánh giá cho sinh viên và giáo viên.
Đợt dịch virus corona vừa là khó khăn khi khiến sinh viên phải nghỉ học nhưng cũng chính là cơ hội để trường triển khai và áp dụng phương pháp Blended Learning để giúp sinh viên có thể tham gia lớp học mà không cần phải lên lớp.
Cụ thể, ngay tuần làm việc đầu tiên của năm mới, nhà trường đã mở các lớp đào tạo ứng dụng phần mềm LMS trong giảng dạy cho toàn thể giảng viên trong trường để đảm bảo gần 3.000 lớp học hệ đại học và cao học của nhà trường có thể bắt đầu từ ngày 10/2/2020.
Giảng viên đi học mùa corona
Cô Trần Thị Thu Hoài, một giảng viên của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, bản thân tham gia giảng dạy cho hệ đào tạo từ xa theo hình thực đào tạo trực tuyến đã nhiều năm, nhưng đây là lớp học đầu tiên mà sinh viên chính quy được áp dụng phương pháp giảng dạy Blended learning.
“Khác với những buổi học đầu tiên của mỗi kỳ học khác, thầy trò chào và gặp nhau trong lớp học trực tuyến. Vẫn vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc của người “đứng trên bục giảng”, dù ở đây là bục giảng ảo, với một hình thức tương tác hoàn toàn mới. Cách thức này sẽ thay đổi hoàn toàn cách tư duy và tác động không nhỏ đến thế hệ giảng viên U50 chúng tôi khi sức ỳ đã bắt đầu manh nha. Tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy là điều khá dễ dàng với các bạn trẻ, song với thế hệ U50 như chúng tôi, đây là cả vấn đề, trước hết là sức ỳ trong nhận thức và hành động”.
Tuy nhiên, được sự tập huấn theo dạng “cầm tay chỉ việc” của các giảng viên của Trung tâm ứng dụng CNTT và Viện Công nghệ Thông tin Kinh tế, các giảng viên giờ đây đã nắm được cách thức xây dựng.
“Sau hơn 3 tiếng học tập, bước ra khỏi lớp với không ít băn khoăn, lo lắng về “lớp học ảo” này. Nhưng sau nửa buổi tối hì hục tạo lớp trên nền tảng LMS, lớp học trực tuyến đầu tiên cho sinh viên của tôi đã được hoàn thành”, cô Hoài nói.
Với phương pháp này, nỗi lo lắng của cô Hoài về việc giảng bù, học bù cho kịp chương trình sau những ngày nghỉ dài vì dịch bệnh đã vơi đi.
Cách tương tác mới với người học, đặc biệt với lớp sinh viên đã cho chúng tôi tự tin hơn. Từ nay, sinh viên sẽ thay đổi tư duy, cách tổ chức bố trí công việc và hàng loạt những thay đổi mới trong hoạt động của cả thầy và trò.
“Từ 10/2, sinh viên của tôi có thể trùm chăn ngồi nhà, bất chấp mưa dầm gió bấc ngoài kia, bất chấp cơn bão nCoV đang hoành hành. Còn tôi cũng có thể ngồi nhà, trùm chăn lướt web và có thể nghĩ ra nhiều phương thức để làm bài giảng online cho sinh viên của mình trở nên thú vị, hấp dẫn hơn”, cô Hoài nói.