Ngày 14/10, tại Đà Nẵng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Bộ KH&CN tổ chức kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới và Hội thảo 50 năm hoạt động Tiêu chuẩn hoá Việt Nam.

Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10 - ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn hoá trên toàn cầu - được tổ chức hằng năm theo sáng kiến của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO) với sự hưởng ứng và phối hợp của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU).


Trong ngày này, trên khắp thế giới, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác là thành viên của ISO, IEC và ITU cũng tổ chức kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới với các hình thức phong phú, đa dạng khác nhau nhằm tôn vinh lợi ích to lớn của hoạt động tiêu chuẩn hoá trong đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu và khích lệ, lôi cuốn mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ và mọi tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động tiêu chuẩn hoá để hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn trên hành tinh của chúng ta. Với mục tiêu cao cả này, hằng năm, ba tổ chức tiêu chuẩn hoá hàng đầu thế giới là ISO, IEC, ITU đều thống nhất đưa ra một chủ đề định hướng và chủ đề năm nay là “Tiêu chuẩn quốc tế tạo lập lòng tin trên toàn cầu”.

Ký Biên bản ghi nhớ về lĩnh vực tiêu chuẩn hóa giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: moit.gov.vn) 

Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay hướng vào một trong những mục tiêu quan trọng của tiêu chuẩn hoá, đó là: kết nối thế giới. Ngày nay, trong một thế giới đang trong xu thế toàn cầu hoá, khi khó có ai dám chắc rằng một tổ chức nào đó chỉ thuần túy là nhà sản xuất hay nhà tiêu thụ, khi mà khoảng cách địa lý giữa nhà sản xuất và khách hàng ngày càng gia tăng chứ không còn bó hẹp trong phạm vi một vùng, miền, quốc gia hay thậm chí một châu lục thì việc nắm bắt và thoả mãn mong muốn của khách hàng đã và đang trở thành một thách thức to lớn.

Trước thách thức này, tiêu chuẩn hoá đã và đang thể hiện rõ rệt vai trò ngày càng quan trọng của mình: Vai trò cầu nối giữa các bên có lợi ích liên quan. Để đóng vai trò cầu nối này, tiêu chuẩn hoá phải thiết lập và đảm bảo được lòng tin của các bên ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay. Tiêu chuẩn giúp cho người sử dụng tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất, cung cấp. Việc áp dụng đúng các tiêu chuẩn có liên quan sẽ giúp các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình dưới góc độ đạo đức kinh doanh.


Khi một sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng các quy định hoặc yêu cầu của tiêu chuẩn thì có thể tin tưởng rằng sản phẩm, dịch vụ đó đáp ứng các yêu cầu thiết yếu về chất lượng, sinh thái học an toàn, độ tin cậy, tính lắp lẫn, hiệu suất và hiệu quả. Tiêu chuẩn còn đảm bảo cho các bên có lợi ích liên quan đạt được lợi ích mong muốn với chi phí hợp lý nhất.


Tiêu chuẩn hoá tạo lập được lòng tin của các bên có lợi ích liên quan bởi chính  những lợi ích mà nó mang lại cho xã hội và cho chính bản thân các bên tham gia. Nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã “đặt cọc” vào tiêu chuẩn hoá, xem tiêu chuẩn hoá như là một trong những công cụ góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và phạm vi mỗi quốc gia.


Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thừa nhận tiêu chuẩn hoá là công cụ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ủy ban châu Âu (EC) xem tiêu chuẩn hoá là công cụ đòn bảy để khuyến khích sự sáng tạo và đảm bảo sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật. Trung Quốc coi tiêu chuẩn hoá là một trong những chiến lược ưu tiên để chuyển hướng hoạt động sản xuất kinh doanh từ “Chế tạo tại Trung Quốc” sang “Sáng tạo tại Trung Quốc”.


Braxin đầu tư khá lớn vào tiêu chuẩn hoá, thông qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá của mình. Ấn Độ lại mong muốn hoạt động tiêu chuẩn hoá góp phần tạo ra những cơ hội để phổ cập và nâng cao năng lực kỹ thuật của mọi tầng lớp dân cư của mình. Tại Peru, tiêu chuẩn đã được sử dụng để hỗ trợ cho chương trình xuất khẩu các sản phẩm lợi thế quốc gia như măng tây, cà phê... Còn ở Việt Nam, sự đóng góp của tiêu chuẩn hoá đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như thế nào thì điều này sẽ được đề cập tại Hội thảo được tiếp nối ngay sau Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới này.


Hướng tới kỷ niệm 50 năm hoạt động tiêu chuẩn hoá Việt Nam, hội thảo 50 năm hoạt động tiêu chuẩn hoá Việt Nam là diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và các bên liên quan cùng nhau chia xẻ, thảo luận, đánh giá về hoạt động này.


Ở Việt Nam, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 10/2006/L-CTN và có hiệu lực từ 01/01/2007 đã tạo cơ hội cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động tiêu chuẩn hoá, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn ở cả phạm vi quốc tế.


Chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam; khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

(Theo Truyền thông khoa học)