Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

Sau hơn 4 năm, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết, Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Nghệ An dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, giá trị.

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu… 

sanpham2.png

Quả ngọt từ Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Đến nay, Nghệ An có hơn 400 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Số sản phẩm tham gia đánh giá và xếp hạng tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2019 chỉ có 48 sản phẩm được đánh giá xếp hàng, thì con số này năm 2020 là 68, năm 2021 là 139 và đến 2022 là 160. Con số trên giúp Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội). Sản phẩm OCOP Nghệ An trải dài trên đầy đủ các lĩnh vực, từ tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp… mỗi mặt hàng đều có những nét đặc thù riêng biệt, được số đông khách hàng ưu tiên chọn lựa.

Đối với các sản phẩm sau khi được công nhận đã thay đổi tư duy, lối nghĩ tích cực, đây được xem là chất xúc tác để các sản phẩm OCOP của Nghệ An lớn mạnh không ngừng. Số lượng đi kèm với chất lượng, dòng sản phẩm OCOP của Nghệ An đáp ứng quy chuẩn an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Nhiều dòng sản phẩm đã tăng lợi nhuận hàng năm từ 10 - 15% như: Sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh; dược liệu của Công ty Dược liệu Pù Mát; lạc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sỹ Thắng; sen của HTX nông nghiệp Sen quê Bác; thịt bò giàng của HTX sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo; hương trầm của Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức; Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát...

Có chất lượng, tích cực ứng dụng công nghệ mới ắt sẽ có đầu ra

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, một vấn đề mấu chốt được đặt ra, dù sản phẩm OCOP Nghệ An số lượng nhiều nhưng chất lượng vẫn cần phải hoàn thiện. Thêm nữa, với quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu mặt bằng, có trường hợp kết nối được với đơn vị tiêu thụ nhưng cơ sở không đạt công năng sản xuất, sản lượng theo yêu cầu mà họ đề ra, cùng với đó là an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vạch... Việc phát triển các sản phẩm được công nhận OCOP phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở;...

Để tạo điểm tựa vững chắc cho các sản phẩm OCOP góp phần tích cực xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng trù phú, tỉnh đang xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025”.

sanpham.png

Theo đề án này, đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất bốn sản phẩm đạt hạng 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.

Nghệ An tiếp tục xác định “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP là chìa khóa thành công”, đó là lý do các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong 4 năm qua.

Tuy nhiên để sản phẩm “ra biển lớn” là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại. Sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "Sao” nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Bởi vậy, tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV