Ở Phú Quốc (Kiên Giang), nghề săn "cọp biển" (săn cá mập-PV) được ví như một cuộc chiến sinh tử chưa có hồi kết. Mấy ai biết được, ngoài khơi xa, trên những chuyến tàu đang dập dờn trên sóng dữ là những ngư dân đang ngày đêm thu phục "cọp biển" mưu sinh.
Sau gần 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, anh Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi) miệng phì phèo điếu thuốc lá phẩy tay ra hiệu cho các thành viên trong đoàn thả câu. Những sợi dây cước bằng ngón tay út được thả sâu xuống đáy biển cùng với vô số móc câu sắc nhọn. Anh Hiệp nhìn tôi bảo: "Mùa này chắc chúng tôi chỉ câu được cá mập nhỏ. Bởi mùa đi săn chính thức "cọp biển" phải từ tháng 7 trở đi. Lúc ấy, có những con mập nặng hàng tạ, phải chiến đấu với nó cả mấy tiếng đồng hồ mới giành phần thắng".
Kinh hoàng nghề săn cá mập
Chiều tàn, mặt trời rơi trên biển, Phú Quốc đẹp lạ thường. Trước khi đến huyện đảo trù phú này, tôi đã được một người đồng nghiệp kể về nghề săn cá mập. Anh bạn nói rằng, đến Phú Quốc không theo chân ngư dân ra khơi mục sở thị "thủy quái" thì coi như chuyến đi không trọn vẹn. Tuy nhiên, vì là người "ngoại đạo", chưa quen cảnh sóng nước nên phải đấu tranh tư tưởng mãi tôi mới dám dũng cảm bước chân lên tàu.
Khi mới đặt chân đến đảo, tôi đã được một người bạn ở Hà Tiên (Kiên Giang) giới thiệu về gã thợ săn cá mập chuyên nghiệp tên Hiệp. Chúng tôi có dịp được nhậu cùng nhau trước khi nhập cuộc săn cá mập. Hiệp quê ở thị xã LaGi (Bình Thuận, nơi có làng mưu sinh bằng nghề săn cá mập- PV). Người đàn ông này đã đến đảo ngọc Phú Quốc sinh sống được gần 8 năm và cũng chừng ấy năm anh tuyên chiến với "thủy quái". Cuộc đời của Hiệp là những ngày tháng lênh đênh trên mặt biển cùng đám đàn em được chính tay anh dạy nghề. Chẳng thế mà đến nay, tuổi đã chạm đầu băm (ba mươi), anh ta vẫn là "lính phòng không". Trò chuyện với tôi, Hiệp tếu táo rằng: "Nếu cưa gái mà cũng dễ như săn cá mập thì chắc giờ tôi đã có hàng trăm mối tình?!".
Kinh hoàng nghề săn cá mập